Tư tưởng Hồ Chí Minh – kim chỉ nam cho các mặt công tác Công an
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam. Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tư tưởng và những lời dạy quý báu, đã trở thành di sản tinh thần thiêng liêng, vô giá.
Đối với lực lượng CAND, Người đã đặt nền móng cho lý luận Công an, đó là tư tưởng quý báu đối với nhiều lĩnh vực công tác Công an hiện nay:
Thứ nhất, CAND bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, bảo vệ nền chuyên chính của Nhân dân đối với các thế lực phản động.
Ngay từ khi sáng lập ra lực lượng CAND, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ: “CAND hoàn toàn khác Công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân... Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng, Chính phủ cho tốt. CAND phải thực sự phục vụ nhân dân”1; Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là Công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”2. "Công an là một bộ máy để thực hiện chuyên chính dân chủ nhân dân, bảo vệ nền chuyên chính của nhân dân đối với các thế lực phản động khác”3.
Về phương pháp, biện pháp công tác, mục tiêu bảo vệ và đối tượng đấu tranh của CAND, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Công an phải: 1. Nhận rõ nhiệm vụ của Công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân. 2. Để làm tròn nhiệm vụ thì phải luôn luôn đoàn kết nội bộ, nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, khinh địch, tự mãn. 3. Phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. 4. Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được”4.
Thứ hai, CAND phải đi đúng đường lối quần chúng, lấy “dân làm gốc”
Người xác định: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân...", "tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân". Đường lối quần chúng đã trở thành biện pháp công tác cơ bản của CAND, cũng như sự phối hợp đã trở thành quy chế và cơ chế phối hợp của CAND với các bộ, ngành.
Người nói: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”5. Do đó, toàn thể cán bộ và chiến sĩ Công an phải gắn bó với nhân dân, nỗ lực cố gắng vượt mọi khó khăn, làm trọn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của Công an cách mạng, xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân, của Đảng và Chính phủ.
Thứ ba, phải xây dựng CAND cách mạng.
Theo Người, CAND phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, vì nhân dân phục vụ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Người chỉ rõ: “Làm Công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm Công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”6. Những lời dạy của Người về tư cách người Công an cách mạng, đó là: "Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”7 Đây là những phẩm chất hết sức quan trọng của người Công an cách mạng để vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ trong công tác bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Muốn phục vụ nhân dân tốt, phải đi đường lối quần chúng. Được nhân dân tin, yêu, phục thì việc gì cũng làm được. Không đi đường lối quần chúng là không gần dân, là thiếu dân chủ, là trở thành quan liêu. Quan liêu thì không đoàn kết được ai. Đoàn kết là rất cần thiết, đoàn kết nội bộ ngành Công an, đoàn kết với ngành khác, đoàn kết với nhân dân. Có thế thì công tác mới làm được.
Thứ tư, phải có lý luận về chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật và lý luận chuyên ngành
Lý luận CAND bắt nguồn từ thực tiễn đấu tranh cách mạng được tổng kết nâng lên thành lý luận và chỉ đạo thực tiễn. Từ kinh nghiệm hoạt động cách mạng của Người, phải thường xuyên đối phó với mạng lưới mật thám địch. Từ bài học trong lịch sử, Người đã rút ra nhiều vấn đề có tính chỉ dẫn cho lý luận CAND. Sau khi đất nước mới giành lại độc lập, năm 1946, về công tác tình báo, Người đã chỉ dẫn: "Lý luận tình báo trong quyển Tôn tử binh pháp, tất cả các chú đã nghiên cứu chưa? Chưa thì cần phải nghiên cứu. Nó là nền tảng của của công tác tình báo"8 Lý luận cơ bản nhất của lý luận nghiệp vụ Công an là: bí mật, mưu kế, đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế. Điều đầu tiên có tính chiến lược của lý luận CAND là bí mật và phải biết giữ bí mật.
Trong bài viết giữ bí mật, Người đã viết: "Vị tổ sư của các nhà quân sự là ông Tôn Tử nói rằng: “Trong chiến tranh điều gì quan trọng nhất? Giữ bí mật là điều quan trọng nhất”. Ông lại nói: “Ta dò được tin tức địch, thì ta thắng địch. Địch dò được tin tức ta, thì địch thắng ta”. Thế là cuộc chiến tranh thắng hay bại, một phần lớn do biết giữ bí mật hay không biết giữ bí mật mà quyết định”9. Người thường xuyên nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật nhà nước và coi đó là một trong những vấn đề quan trọng nhất để làm nên những chiến công của lực lượng CAND.
Thứ năm, lý luận CAND phải làm rõ nhiệm vụ, mục tiêu, đối tượng đấu tranh
Người chỉ rõ: “Bọn phản động không bao giờ muốn cho chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, Công an phải luôn luôn cảnh giác, ngăn ngừa những hành động phá hoại của chúng để bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ sự nghiệp cách mạng”10. Là một bộ phận của cả bộ máy nhà nước nhân dân, dân chủ chuyên chính tiến lên chủ nghĩa xã hội, Công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân... Cách mạng càng tiến lên càng khó khăn. Nhân viên, cán bộ Công an càng phải nâng cao chí khí cách mạng, nâng cao tinh thần cảnh giác. Người căn dặn thêm "Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của quân đội, của Công an nói riêng và của toàn dân nói chung; là nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt"11.
Những lời dạy của Người chính là chiến lược, nghệ thuật công tác Công an. Tư tưởng của Người đã được các thế hệ cán bộ CAND tiếp thu và phát triển, trở thành lý luận CAND Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
-------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.365; (2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.l 18; (3) Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác an ninh, trật tự, NXB, CAND 1990, tr.93; (4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.119; (5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.366; (6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.365; (7) SĐD, Tr.10; (8) SĐD, Tr.I5; (9) SĐD, Tr.13; (10) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.447; (11) SĐD, Tr.96.