Từ thông tin đăng trên Báo CAND, đại biểu Quốc hội “truy” Tổng Thanh tra Chính phủ
Tổng Thanh tra Chính phủ nhận trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra vụ việc liên quan dự án Sài Gòn - Đại Ninh.
Ngày 7/11, tại phiên chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã tranh luận với Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Theo đại biểu, vào ngày 16/3/2023, Báo CAND đăng thông tin về việc Thanh tra Chính phủ thành lập tổ công tác để phúc tra những giải trình của Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh. Từ đó, đại biểu chất vấn “căn cứ vào đâu, yêu cầu nào mà tháng 7/2021, Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập Tổ công tác để thanh tra lại Kết luận thanh tra của Đoàn công tác vào năm 2020 về vụ việc liên quan đến dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng có nhiều dấu hiệu vi phạm. Và Cơ quan điều tra đã khởi tố một loạt bị can, trong đó có một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ về tội nhận hối lộ”. Do đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, việc thành lập Tổ công tác để thanh tra lại kết quả của Đoàn thanh tra có đúng luật không? Và với vai trò vừa là Thủ trưởng cơ quan thanh tra, vừa là người đứng đầu cơ quan Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm gì trước pháp luật?
Trả lời đại biểu, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định, thực hiện việc này là để rà soát, sửa đổi, bổ sung chứ không phải là thanh tra lại. Sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, Công ty Sài Gòn Đại Ninh nhiều lần có đơn kiến nghị xem xét lại kết luận thanh tra.
Văn phòng Chính phủ cũng chuyển đơn kiến nghị của công ty này và văn phòng luật sư đại diện yêu cầu giải quyết kiến nghị và trả lời doanh nghiệp. Trên cơ sở thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong việc giải quyết đơn thư, kiến nghị, Thanh tra Chính phủ thành lập tổ công tác để triển khai.
Tổng Thanh tra Chính phủ nói thêm, vụ việc này liên quan tới dự án của Sài Gòn – Đại Ninh và chuyển tiền của SCB. Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xử lý theo quy định, đã tạm giam và khởi tố điều tra một số cán bộ chủ yếu do nhận hối lộ.
“Về trách nhiệm của Tổng thanh tra Chính phủ, đã buộc thôi việc các công chức liên quan tới vụ án, xử lý khai trừ Đảng, thôi việc. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chịu trách nhiệm về quy định của Đảng và Nhà nước” – Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Chưa nhất trí với trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân tiếp tục tranh luận việc thành lập tổ thanh tra có đúng luật không và cho rằng, Tổng Thanh tra chưa trả lời đại biểu.
Theo đại biểu, kết luận thanh tra do đoàn thanh tra ban hành theo Luật Thanh tra. Còn tổ thanh tra chỉ được lập theo yêu cầu để quản lý hành chính, không có quyền thay đổi kết luận thanh tra. Trong vụ thanh tra dự án Sài Gòn – Đại Ninh, tổ thanh tra đã thay đổi kết luận thanh tra là trái luật. Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ nhận trách nhiệm.
Lần thứ 2 trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, quyết định thành lập tổ công tác rà soát liên quan vụ thanh tra dự án Sài Gòn - Đại Ninh do một Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký vào năm 2021, sau khi Tổng Thanh tra đã có ý kiến và thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Về ý kiến việc thành lập tổ rà soát có đúng luật không, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc này là đúng luật. Theo Tổng Thanh tra, theo quy định thì trước khi ban hành kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ báo cáo Chính phủ, Phó Thủ tướng trực tiếp phụ trách đồng ý thì mới ban hành kết luận. Về kết quả rà soát, điều chỉnh nội dung kết luận thanh tra cũng được Thanh tra Chính phủ báo cáo Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách đồng ý.
Về trách nhiệm, Tổng Thanh tra Chính phủ nhận trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra vụ việc liên quan dự án Sài Gòn - Đại Ninh.
Hiện nay, vụ án vẫn đang được cơ quan chức năng xem xét, chưa kết thúc. Khi vụ án kết thúc, có kết quả sẽ xử lý trách nhiệm theo quy định. Về nội bộ, ngay khi có quyết định khởi tố điều tra, Thanh tra Chính phủ đã có biện pháp xử lý nội bộ.