Từ 1/7, thực hiện điều tra đời sống, kinh tế của 53 dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 27/06/2024, 08:24

Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc triển khai thu thập thông tin điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) trên cả nước. Kết quả của cuộc điều tra là căn cứ quan trọng để xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết, điều tra 53 DTTS năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống, từ đó biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 – 2030.

Từ 1/7, thực hiện điều tra đời sống, kinh tế của 53 dân tộc thiểu số -0
Ảnh minh họa.

Cuộc điều tra thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn từ ngày 1/7 đến 15/8/2024 tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tiêu chí xác định địa bàn điều tra 53 DTTS năm 2024 đã thay đổi so với trước đây. Theo đó, địa bàn điều tra được quy định là địa bàn có số lượng người DTTS đang sinh sống chiếm từ 15% trở lên so với tổng số dân của địa bàn, thay vì 30% như các cuộc điều tra trước. Với sự đổi mới trên, tổng số huyện được chọn mẫu điều tra đã tăng lên từ 437 huyện năm 2019 (theo danh mục hành chính tại thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019) lên 472 huyện, trong đó nhiều huyện có toàn bộ địa bàn được chọn mẫu điều tra. Tổng số địa bàn điều tra được chọn mẫu tăng từ 14.660 địa bàn điều tra năm 2019 lên 14.928 địa bàn điều tra năm 2024.

Theo ông Tiến, đây là cuộc điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của các DTTS nên địa bàn điều tra chủ yếu nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, rất khó khăn cho tổ chức điều tra thống kê, từ công tác tiếp cận địa bàn, lập bảng kê hộ đến khâu thu thập thông tin và tổ chức giám sát điều tra. Thời gian thu thập thông tin kéo dài trong 45 ngày, do đó, công tác tập huấn, tuyển chọn điều tra viên được các địa phương thực hiện kỹ lưỡng.

Ông Tiến thông tin, hiện cả nước có gần 29.000 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS. Đây là lực lượng tạo chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng người DTTS, không chỉ là những người nắm vững tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người dân mà còn luôn đi đầu trong công tác vận động, tuyên truyền đồng bào triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, duy trì nếp sống văn hóa. Do đó, Tổng cục Thống kê đã chuẩn bị thư ngỏ bằng tiếng Kinh và được dịch sang 3 thứ tiếng dân tộc (Bana, Êđê và Giarai ) để gửi đến các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS đề nghị sự quan tâm, hỗ trợ công tác tuyên truyền, động viên đồng bào DTTS cung cấp thông tin cho điều tra viên.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà cho biết, kết quả của cuộc điều tra sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn I: 2021-2025; chuẩn bị xây dựng chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển giai đoạn 2026-2030. Với việc áp dụng chuyển đổi số trong điều tra, bà Nông Thị Hà hy vọng sẽ rút ngắn thời gian tổng hợp, rà soát số liệu để có thể công bố kết quả điều tra sớm nhất trong năm 2025.

Lưu Hiệp
.
.
.