Trúng đấu giá xong phải gắn biển số vào xe chứ không thể "giữ khư khư rồi đầu cơ"
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định, quan điểm của Ban soạn thảo là không có biển số xấu hay đẹp, mà chỉ có những biển thoả mãn mong muốn những người có nhu cầu sử dụng. Bộ Công an sẽ công khai kho số cho người dân lựa chọn, biển được người dân lựa chọn sẽ đưa ra đấu giá, biển không được chọn sẽ vào kho bấm ngẫu nhiên.
Sáng 14/10, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dự và chỉ đạo Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) để thẩm tra Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo một số Uỷ ban của Quốc hội, đại diện các bộ, ngành Trung ương...
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Nghị quyết đã được Thường trực UBQPAN thẩm tra sơ bộ vào ngày 7/10 và báo cáo UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ 16. Tại Phiên họp thứ 16, UBTVQH đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo, giao UBQPAN tổ chức thẩm tra chính thức tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban.
"Thực hiện quy định của pháp luật và kết luận của UBTVQH, đồng thời để có thêm cở sở báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới, UBQPAN tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra dự thảo Nghị quyết này", Chủ nhiệm UBQPAN thông tin.
Tránh dư luận cho rằng, "xe sang" thường hay có "biển số đẹp"
Trình bày Tờ trình tóm tắt dự thảo Nghị quyết, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, việc ban hành dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá nhằm tiếp tục thực hiện, thể chế hóa đầy đủ, cụ thể chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công. Luật quy định biển số xe ô tô là tài sản công, tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về đấu giá biển số xe ô tô, nguyên tắc xác định giá khởi điểm; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số, người nhận chuyển nhượng biển số trúng đấu giá...
Việc ban hành Nghị quyết sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng biển số theo nhu cầu; bảo đảm công tác quản lý nhà nước trong đăng ký, quản lý xe và đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu Hệ thống đăng ký trong quá trình đấu giá; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), có kinh phí đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số phục vụ công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một số nước thực hiện cấp biển số bằng hình thức cho người dân tự chọn biển số theo sở thích và phải trả một khoản phí cao hơn lệ phí đã quy định (Mỹ, Nhật Bản, Myanmar) hoặc tổ chức đấu giá (Thái Lan, Malaysia, Singapore).
Qua thẩm tra, UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đồng thời cho rằng, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho NSNN và tránh dư luận xã hội cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là có nhiều xe ô tô giá trị cao, "xe sang" thường hay có "biển số đẹp".
Thí điểm phạm vi toàn quốc để đáp ứng yêu cầu người dân
Về phạm vi thí điểm, một số ý kiến nhất trí với Tờ trình và dự thảo Nghị quyết là thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc. Có ý kiến đề nghị thận trọng, giới hạn phạm vi thực hiện thí điểm tại một số địa phương. Có ý kiến đề nghị chỉ thí điểm tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
UBQPAN cho rằng, việc cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá ở tất cả các địa phương đều áp dụng một quy trình thống nhất và nhu cầu lựa chọn "biển số đẹp" xuất hiện với nhiều người, ở nhiều nơi. Do đó, Ủy ban nhất trí với Tờ trình và dự thảo Nghị quyết là thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương; đồng thời, cũng là để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho NSNN từ đấu giá và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.
"Nếu người thường trú tại địa phương nào chỉ được tham gia đấu giá tại địa phương đó thì sẽ hạn chế số lượng người tham gia đấu giá và không khai thác triệt để nguồn thu cho NSNN. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ việc tham gia đấu giá ở tất cả các địa phương thì công tác quản lý như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất" - Đại tá Vũ Huy Khánh, Uỷ viên Thường trực UBQPAN trình bày báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Quy định chặt chẽ để đề phòng chuyện đầu cơ
Thảo luận tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, Uỷ viên UBQPAN đề cập thực tiễn từng công tác tại địa phương cho thấy, người dân có nhu cầu biển số đẹp rất nhiều, do đó cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần quy định rõ người trúng đấu giá được chuyển nhượng bao nhiêu lần, hay quyền sử dụng biển số trong bao nhiêu năm để phòng tình trạng đầu cơ trong mua bán, chuyển nhượng biển số, tránh tình trạng chuyển đổi liên tục như đất đai...
Uỷ viên UBQPAN Nguyễn Thị Kim Bé băn khoăn, quy định người trúng đấu giá phải có nghĩa vụ đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng, bởi giả sử trong thời gian đó người dân gặp sự cố, không kịp mua xe thì cần quy định như thế nào để vẫn đảm bảo quyền của người tham gia đấu giá? Uỷ viên chuyên trách UBQPAN Trịnh Xuân An cho rằng, nên quy định đấu giá xong thì đăng ký ngay để hạn chế mua bán, tặng cho.
"Đấu giá xong là phải gắn vào xe để đi chứ không phải giữ khư khư biển số đó. Như thế mới chặt chẽ, không tạo ra câu chuyện đầu cơ. Quan điểm của tôi là để 90 ngày, khoảng 3 tháng là phù hợp", đại biểu nói.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm UBQPAN cũng nhất trí, tâm lý những người trúng đấu giá là muốn gắn biển đi ra đường ngay, do đó cần tính toán chỉ 6 tháng, nếu để 12 tháng thì lâu quá. Đồng thời ông lưu ý, chủ xe trong 12 tháng có nhiều vấn đề phát sinh xảy ra, bất khả kháng thì Ban soạn thảo cũng cần tính toán phương án để đỡ rắc rối trong quá trình thực thi.
Lý giải vấn đề này tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, lúc đầu Ban soạn thảo định quy định 3 tháng, cùng lắm là 6 hoặc 9 tháng. "Tuy nhiên qua thảo luận với các bộ, ngành đề nghị nhiều, những người tham gia đấu giá thường mua xe sang, có thể lên đến 60-70 tỷ đồng, không phải có tiền là mua được ngay mà có thể đặt rồi 1 năm mới có xe. Qua tìm hiểu, chúng tôi nghĩ rằng thời gian 12 tháng cũng rất phù hợp, vì xe sang về Việt Nam qua làm thủ tục thuế, hải quan, nhập khẩu các kiểu mới đăng ký được", đồng chí Thứ trưởng cho hay.
Thống nhất giá khởi điểm 40 triệu đồng trên toàn quốc
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, nhiều nội dung các đại biểu phát biểu tại phiên họp cũng trùng với trăn trở của Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng và soạn thảo dự thảo Nghị quyết. Việc này được nghiên cứu, xây dựng suốt từ năm 2016 đến nay và những ý kiến các đại biểu đưa ra cũng chính là những khó khăn vướng mắc, lý do tại sao đến nay chúng ta mới đưa ra được dự thảo.
Về biển số xấu hay đẹp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định, quan điểm của Ban soạn thảo là không có biển xấu hay đẹp, mà chỉ có những biển thoả mãn mong muốn đối với những người có nhu cầu sử dụng. Đồng thời, biển đưa ra đấu giá là tất cả biển số đưa ra công khai để những người có nhu cầu lựa chọn và tham gia đấu giá. Không có cơ quan nào lựa chọn biển xấu, biển đẹp.
"Ví dụ, quý 4/2022 chúng tôi chuẩn bị cấp cho Hà Nội 10.000 đầu số thì trước đó chúng tôi sẽ công bố 10.000 đầu số ấy trên các phương tiện thông tin như dự thảo Nghị quyết đưa, những người có nhu cầu đấu giá thì đăng ký. Những số có người đăng ký sẽ đưa ra đấu giá, những số không có người đăng ký thì chuyển vào kho số của Bộ Công an để chuyển về Hà Nội bấm ngẫu nhiên", đồng chí Thứ trưởng dẫn chứng.
Về giá khởi điểm, lúc đầu Cơ quan soạn thảo tính toán tỉnh nào đấu giá tỉnh đó, đối với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh giá khởi điểm 40 triệu đồng, là bằng 2 lần mức lệ phí đăng ký ô tô tại hai thành phố này, tương đương 5% giá xe ô tô trung bình ở nước ta hiện nay. Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, phải chọn giá đó vì đây là khâu then chốt trong việc có mang được tài sản ra đấu giá hay không. Theo quy định về đấu thầu, đấu giá, trước khi đấu giá tài sản đó phải được định giá, sau đó có cơ quan thẩm định giá, phê duyệt giá rồi mới mang ra đấu giá.
"Tài sản này là tải sản vô hình, không một cơ quan nào có thể thẩm định giá, cũng không ai dám xác định giá cho chúng ta mang ra đấu giá. Nên chúng tôi chỉ có cách làm là lấy mức lệ phí đăng ký ô tô lại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh gấp đôi 2 lần làm giá khởi điểm. Chúng tôi cũng thống nhất giá 40 triệu đồng vì bây giờ là đấu giá tập trung toàn quốc chứ không phải từng tỉnh", Thứ trưởng Nguyễn Văn Long lý giải.
Về quyền chuyển tiếp, sau 12 tháng người trúng đấu giá không đăng ký thì có trả lại tiền hay không, dự thảo quy định chỉ khi người đó chết mới trả lại tiền, còn các trường hợp bất khả kháng khác rất khó khăn. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cũng sẽ nghiên cứu kỹ, tính toán sao cho phù hợp nhất. Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu, phối hợp UBQPAN rà soát lại câu chữ, bố cục... để thiết kế Nghị quyết bảo đảm chặt chẽ, hợp lý.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao trách nhiệm, sự tích cực, khẩn trương của Bộ Công an trong việc hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết; UBQPAN đã thẩm tra sơ bộ, UBTVQH đã cho ý kiến tại Phiên họp thứ 16 và hôm nay ý kiến các đại biểu rất trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ, có giá trị về cả lý luận, thực tiễn, nhiều vấn đề cụ thể có ý nghĩa rất lớn, làm cơ sở rất tốt trong hoàn thiện Nghị quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, sau phiên họp này, UBQPAN chủ trì, phối hợp Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hoàn chỉnh các báo cáo, dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới...