Trình vốn "khủng" 101,5 nghìn tỉ, TP Hồ Chí Minh loay hoay với mưa ngập, triều cường

Thứ Tư, 20/07/2022, 07:44

Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh, từ khi có các công trình thủy điện Trị An và hồ thủy lợi Dầu Tiếng ở thượng nguồn, TP Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng nặng trong việc điều tiết mực nước của các hồ chứa này.

Nặng nhất là từ hồ Dầu Tiếng trong việc xả lũ vào các tháng cao điểm mùa mưa. Ông Vũ phân tích, mưa lớn có xu hướng ngày càng gia tăng, tần suất xuất hiện những trận mưa có lượng mưa trên 100mm nhiều hơn, tập trung trong thời gian ngắn. Từ năm 1970 đến 2010, trên địa bàn thành phố chỉ xuất hiện 11 trận mưa kéo dài trong 3 giờ, lượng nước trên 100mm nhưng trong hơn 10 năm trở lại đây, tại thành phố đã xuất hiện 29 trận mưa lớn, bình quân 1 năm xuất hiện 3 lần. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021 có 4 trận mưa, chỉ xảy ra trong 60 phút, nhưng vũ lượng đã đạt từ 100mm - 122mm. Thực trạng này cho thấy thời gian qua mưa tăng cả tần suất và lượng mưa.

2.jpg -0
Mưa lớn trong lúc triều cường gây ngập nặng một tuyến đường vào chiều tối.

Bên cạnh đó, đỉnh triều cũng đang có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Kết quả đo đạc trong 27 năm, từ năm 1980 đến 2007, đỉnh triều ở mức cao nhất chỉ đạt dưới 1,50m tại trạm Phú An. Nhưng trong 12 năm trở lại đây, đỉnh triều đã vượt trên mức 1,50m với tần suất xuất hiện đỉnh triều ngày càng tăng. Nếu như từ năm 2006 đến 2015 tần suất xuất hiện đỉnh triều trên 1,50m chỉ có 94 lần thì trong 5 năm gần đây đã có tới 151 lần và đặc biệt là đỉnh triều đã chạm mức 1,77m. Ngoài ra, tổ hợp bất lợi đã xảy ra khi triều cường trên sông Sài Gòn dâng cao kết hợp với mưa lớn và xả lũ của các hồ chứa thượng nguồn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chống - giảm ngập của thành phố.

Ông Vũ cho biết thành phố đã xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 và đã được Chính phủ phê duyệt tháng 6/2001 (Quy hoạch 752). Ngoài ra Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh cũng đã được Chính phủ phê duyệt từ tháng 10/2008 (Quy hoạch 1547). Tuy nhiên tiến độ triển khai các quy hoạch này còn chậm. Mặt khác, trước đây thông số đầu vào để lập Quy hoạch 752 chỉ là lượng mưa tối đa trong 3 giờ đạt 95,9mm, đỉnh triều là 1,32m. Nhưng thực tế gần đây có những trận mưa chỉ trong thời gian ngắn đã đạt lượng mưa kỷ lục như trên và đỉnh triều đã tăng đến 0,45m.

Số liệu đưa vào quy hoạch đã lạc hậu nên hệ thống cống thoát nước mới làm cũng lạc hậu theo trong khi các công trình lớn như dự án ngăn triều 10 nghìn tỷ đồng dù đã hoàn thành 93% vẫn bị “đắp chiếu” nhiều năm nay. Tình trạng này dẫn đến khả năng tiêu thoát nước, chống chịu ngập lụt do mưa, lũ, triều cường của hệ thống hạ tầng ngày càng giảm. “Trong khi hệ thống thoát nước của thành phố chủ yếu thông qua hệ thống sông, kênh, rạch với khoảng 2.953 tuyến, tổng chiều dài khoảng 4.371km, thì quá trình đô thị hóa, tình trạng san lấp, lấn chiếm trái phép, xả rác xuống sông, kênh, rạch vẫn chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả gây bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước, tạo nước dâng cục bộ”, ông Nguyễn Đức Vũ cho biết.

Những năm gần đây thành phố đã rà soát, xác định được khoảng 104 vị trí có thể bố trí lắp đặt các hồ điều tiết phân tán nhằm góp phần điều hòa lượng nước mưa nhưng việc triển khai cũng khá chậm. Do đó, công tác  ứng phó với ngập lụt của TP Hồ Chí Minh vẫn chỉ bằng các giải pháp thụ động trong khi chờ các dự án thuộc Quy hoạch 1547 được đầu tư xây dựng hoặc đưa vào khai thác như: Nghiên cứu thay đổi quy trình vận hành 26 trạm bơm với 56 máy, công suất từ 168 - 84.000m3/giờ, tổng công suất 302.880m3/giờ; vận hành 13 cống kiểm soát triều lớn; tăng cường công tác điều tiết nước, trữ nước trong các tuyến sông, kênh, rạch, kết hợp vận hành bơm tại các cống kiểm soát triều đảm bảo chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố; xây lắp sửa chữa, vận hành 1.077 van ngăn triều…

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai khẳng định, đối với TP Hồ Chí Minh, việc vận hành hồ Dầu Tiếng gây ngập lụt là bài toán hiện nay chưa có lời giải. Năm 2011 hồ Dầu Tiếng vận hành xả lũ 450m3/s, nhưng sau đó phải đóng lại vì nguy cơ rủi ro là rất lớn và sẽ gây ngập lụt nặng nề cho TP Hồ Chí Minh. Đã vậy, lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai không chỉ có hồ Dầu Tiếng, mà còn có một chuỗi các hồ chứa khác. Đến nay, việc vận hành xả lũ của lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai vẫn là một vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp. Khi có tình huống xấu xảy ra, nguy cơ sẽ rất lớn, thiệt hại gây ra sẽ không nhỏ, và có thể trở thành thảm họa đối với TP Hồ Chí Minh.

Việc sửa quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ cuối năm 2019, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lập đề cương, dự toán. Ngày 1/7 vừa qua, ông Đặng Phú Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, năm ngoái thành phố chỉ xóa được 3 tuyến đường thường xuyên ngập do mưa. Do đó, những năm tới Sở Xây dựng tiếp tục tập trung vào các dự án giải quyết 18 tuyến đường trục chính thường xuyên bị ngập. Đồng thời trong giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng thêm khoảng 96km cống thoát nước, cải tạo 5km kênh rạch.

Tuy vậy, tổng nhu cầu vốn thực hiện xử lý nước thải và chống ngập thành phố cần đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 lên tới gần 101,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó vốn do ngân sách thành phố đảm bảo chỉ được khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng, vốn Trung ương cấp là 4 nghìn tỷ đồng, còn lại phải trông chờ vào nguồn vốn khác. Do đó, khi thực hiện giải pháp công trình để chống ngập lụt thì vấn đề huy động vốn đầu tư cũng là bài toán quá khó với TP Hồ Chí Minh. 

Đ.Thắng
.
.
.