Trình Quốc hội hai phương án phân định sử dụng kinh phí công đoàn

Thứ Hai, 03/06/2024, 14:42

Chiều 3/6, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Về việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn (khoản 2 Điều 30), dự thảo luật đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Giao Chính phủ quy định cụ thể. Phương án 2: Xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%. 

Tờ trình do Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày cho biết, Luật Công đoàn hiện hành (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013) là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoàn.

Trình Quốc hội hai phương án phân định sử dụng kinh phí công đoàn -0
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Đó là, đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn; hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn; một số quy định về tài chính công đoàn chưa được bổ sung cụ thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch; cơ chế bảo đảm thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao.

"Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012", ông nêu rõ.

Trình Quốc hội hai phương án phân định sử dụng kinh phí công đoàn -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh.

Qua thẩm tra, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội, ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến góp ý của một số Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Tuy nhiên, các quy định của dự án luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, khái quát về các nội dung xác định tại phạm vi điều chỉnh.

Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo luật. "Trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới, đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hết sức quan tâm đến việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong việc tập trung phát triển về số lượng gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò công đoàn cơ sở, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước", Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu.

Trình Quốc hội hai phương án phân định sử dụng kinh phí công đoàn -0
Quang cảnh hội trường.

Về việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% (điểm b khoản 1 Điều 29), hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Ủy ban Xã hội ủng hộ loại ý kiến thứ nhất: nhất trí việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ: Trong tương lai, "kinh phí công đoàn" có thể còn được phân bổ cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, do vậy, cần có thông tin về tình hình thu, chi, sử dụng 2% kinh phí công đoàn để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định; đồng thời, cung cấp thông tin về chậm đóng, trốn đóng và việc không thu được kinh phí công đoàn.

Về việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn (khoản 2 Điều 30), dự thảo luật đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Giao Chính phủ quy định cụ thể. Phương án 2: Xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%. 

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị, không nên quy định "tỷ lệ cứng" như phương án 2 mà nên quy định theo hướng "tối thiểu 75%" và "tối đa 25%" để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.

"Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây là vấn đề khó và ý kiến còn khác nhau. Đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ, toàn diện thông tin làm căn cứ, cơ sở cho cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đồng thời, nghiên cứu ý kiến góp ý của Chính phủ về nội dung này" - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh bổ sung thêm.

Quỳnh Vinh
.
.
.