Trình phương án đưa A0 về Bộ Công Thương trong tháng 8
Văn phòng Chính phủ vừa có báo cáo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp về việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) về Bộ Công Thương diễn ra ngày 20/6.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan tại cuộc họp; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án chuyển A0 về Bộ Công thương dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Công ty TNHH MTV) theo quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023.
Trong đó, cần đánh giá đầy đủ các tác động, vướng mắc có thể phát sinh, giải pháp khắc phục, bảo đảm hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia liên tục, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, tin cậy, hiệu quả hệ thống điện quốc gia, giữ vững an ninh năng lượng cho đất nước.
Bộ Công Thương cũng được giao tiếp tục tăng cường giám sát thường xuyên, trực tiếp và toàn diện đối với A0 theo quy định cho đến khi hoàn thành việc chuyển A0 về Bộ Công Thương, bảo đảm hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia phải hiệu quả, công khai, minh bạch, khai thác vận hành tối ưu hệ thống điện quốc gia, cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, việc chuyển đổi quản lý, chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN về Bộ Công thương có thể thực hiện theo 1 trong 2 phương án.
Phương án 1: A0 trở thành đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương.
Phương án 2: A0 trở thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương.
Góp ý cho đề xuất này, Bộ Nội vụ cho rằng, qua quá trình thành lập và phát triển, A0 đã đáp ứng đủ điều kiện để chuyển đổi thành doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi thành, tiến tới hoạt động độc lập về nhân sự, pháp lý, tài chính, không chung lợi ích với bên bán điện và bên mua điện, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Bộ Nội vụ, điều kiện thực hiện việc tách A0 từ EVN sang Bộ Công Thương và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện được ngay. Bởi A0 lúc này hoạt động độc lập với bên bán điện và bên mua điện chỉ thay đổi về đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tạo điều kiện vận hành cơ chế thị trường trong mối quan hệ giữa đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia với đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện theo quy định của Luật Điện lực.
Trường hợp chuyển A0 thành đơn vị sự nghiệp công lập (như đề xuất của Bộ Công Thương) sẽ vướng rất nhiều các văn bản pháp lý có liên quan (về tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách, đấu thầu đặt hàng, quản lý giá phí…) và sẽ không tách bạch được chức năng kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước theo yêu cầu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW và chưa đáp ứng được lộ trình phát triển của A0 tại Quyết định số 168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, Bộ này đề xuất theo phương án 2.
"A0 hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV sẽ có điều kiện thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ điều độ hệ thống điện lực quốc gia (điều này rất khó thực hiện nếu lựa chọn chuyển A0 thành đơn vị sự nghiệp công lập), bảo đảm phù hợp với cơ chế điều hành giá, phí (phí điều độ hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực được quy định là một thành phần chi phí cấu thành giá điện, tương tự như giá truyền tải điện) theo quy định của Luật Điện lực", Bộ Nội vụ nêu ý kiến.