Triển khai hiệu quả ngay từ đầu năm 2023 những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Đề án 06
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các thành viên trong Tổ Công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thống nhất thực hiện hiệu quả ngay từ đầu năm 2023 với 106 nhiệm vụ của từng bộ, ngành và 18 nhiệm vụ của các địa phương đã đặt ra trong năm.
Sáng 17/1, dưới sự chủ trì của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Tổ công tác đã tổ chức phiên họp tháng 1/2023. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác cùng các thành viên trong Tổ công tác.
Trên tinh thần làm việc khẩn trương, hiệu quả, phát biểu khai mạc buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh 2 nội dung trọng tâm cần tập trung hoàn thành, đó là thành viên Ban Chỉ đạo tham gia ý kiến, thống nhất lần cuối về những nhiệm vụ trọng tâm của từng bộ, ngành, lĩnh vực trong năm 2023. Cùng với đó, thống nhất những nhiệm vụ cần phải thực hiện, hoàn thành ngay trong tháng 1. Tinh thần của Bộ trưởng Tô Lâm đó là Tổ công tác làm việc xuyên Tết.
Tiêu chí, chủ trương “Đúng, đủ, sạch, sống” đối với dữ liệu được Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh trong công tác thu thập, số hóa, kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành. Chuyển đổi số không chỉ giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi phục vụ người dân mà còn cho chính công tác quản lý, hoạch định chính sách. Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, thủ tục hành chính, cách làm hiện nay quá thủ công, đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm lý của hệ thống cán bộ, công chức, chính quyền các cấp. Bộ Công an nói riêng và Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ rất quyết tâm và phải làm bằng được, thay đổi phương thức làm việc thủ công chuyển sang số hóa, điện tử phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội.
Gợi ý những nội dung thảo luận, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đại biểu gồm: Văn phòng Chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện 2 dịch vụ công liên thông được thực hiện trên toàn quốc; Bộ Tài chính tham luận về thuế, mã số định danh liên quan đến thuế; Bộ Tư pháp báo cáo về công tác, tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch; Bộ Giáo dục - Đào tạo thông tin về đăng ký trực tuyến trong thi tuyển, tuyển sinh, cơ sở dữ liệu, học liệu, thống kê, phân loại, kết nối, dự báo nguồn nhân lực, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, ra trường; Bộ Nội vụ trình bày về hiện trạng cán bộ công chức, viên chức, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo những nội dung về xác thực dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu bảo hiểm, sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; Bộ Y tế báo cáo việc xây dựng hạ tầng thông tin, dữ liệu Bộ Y tế kết nối với các bộ, ngành có liên quan…
Bám sát những nội dung gợi ý của Bộ trưởng Tô Lâm, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Giáo dục -Đào tạo, Nội vụ… cũng như các thành viên trong Tổ công tác báo cáo, thống nhất cao, rõ, sâu, trách nhiệm hơn những phần việc, nhiệm vụ của bộ, ngành, đơn vị mình được giao. Cùng với đó, những tồn tại, hạn chế, khó khăn các đại biểu báo cáo tại buổi làm việc đã được Bộ trưởng Tô Lâm giải đáp, định hướng, thống nhất biện pháp giải quyết, xử lý. Nhiều quy trình rút gọn cũng được các đại biểu thống nhất, nêu đề xuất để tăng cường công tác phối hợp, đáp ứng thời gian, thực hiện nhiệm vụ trong khung lộ trình đã đặt ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, Tổ phó Thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 06 thông tin sơ bộ về những nội dung liên quan đến cuộc họp Chính phủ với nội dung thực hiện Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia được Chính phủ tổ chức. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất tính cấp thiết phải nhanh chóng xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia của Chính phủ và giao Bộ Công an quản lý. Trước mắt cần sớm chuẩn bị và trình Chính phủ đề án xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia trong đó phải đảm bảo tính chính trị, pháp lý và thực tiễn; đáp ứng được nhu cầu hiện nay và độ mở cho tương lai. Nội dung của đề án phải làm rõ nội hàm, các dự án thành phần, phân kỳ thời gian, ngân sách đầu tư trong từng giai đoạn, quy trình pháp lý, khai thác sử dụng…Bộ Công an sẽ gửi các yêu cầu để các bộ, ngành tham gia, thống nhất triển khai.
Thống nhất cao 106 nhiệm vụ của từng bộ, ngành và 18 nhiệm vụ của các địa phương thực hiện trong năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị các bộ khẩn trương hướng dẫn ngay cho các địa phương trên toàn quốc về quy trình, quy chuẩn để xây dựng, kết nối, thực hiện, khai thác dữ liệu. “Các bộ cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư về ngân sách, xây dựng kế hoạch, lộ trình, thời gian thực hiện phải xong. Chúng ta phải có quyết tâm chính trị mới thực hiện được, đồng thời nhanh chóng hoàn thành mã định danh thuế, mã định danh điện tử, chữ ký số phục vụ người dân…”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu đặc biệt là thống nhất, đồng tình cao các nhiệm vụ trong năm 2023. Trên cơ sở đã thống nhất, phân công nhiệm vụ, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng triển khai hiệu quả những phần việc, nhiệm vụ này ngay từ đầu năm. Trong năm 2023, Chính phủ sẽ đưa nội dung liên quan đến thực hiện Đề án 06 vào các phiên họp Chính phủ để thảo luận, chính vì vậy yêu cầu đặt ra đối với các bộ, ngành trong từng phần, lĩnh vực, công việc, nhiệm vụ được giao là hết sức cấp thiết, chặt chẽ….
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong năm 2023 triển khai Đề án 06 với các lĩnh vực cụ thể ở 5 tỉnh, thành phố lớn trực thuộc Trung ương từ đó nhân rộng ra toàn quốc; đồng thời bám sát những chuyển động để giải quyết, tháo gỡ ngay vướng mắc nảy sinh nếu có.
Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo các bộ, ngành, Tổ công tác sớm xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho cán bộ, công nhân, viên chức đến tận cấp xã, phường quy trình tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy. Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, từ ngày 1/3, sẽ cấp hộ chiếu điện tử phục vụ người dân, đồng thời tiếp tục thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến tập trung vào 2 dịch vụ công liên thông đang được triển khai.
"Tập trung đẩy mạnh các ứng dụng chi trả cho những đối tượng được thụ hưởng an sinh xã hội; Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức nhân rộng ra toàn quốc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Ngoài những đối tượng được hưởng trợ cấp, an sinh xã hội cần mở rộng ra các thành phần, đối tượng khác, tạo thuận lợi, an toàn cho người dân"- Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu các bộ, ngành, Tổ công tác khẩn trương xây dựng dữ liệu, hoàn thành dữ liệu cơ sở chuyên ngành, tiến tới xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, là xương sống, sống còn của chuyển đổi số. Các bộ, ngành tập trung thống nhất về nguồn lực đầu tư, thực hiện sớm, hiệu quả những hướng dẫn có liên quan.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Nội vụ đánh giá về thực trạng nguồn nhân lực liên quan đến thông tin. Dẫn chứng kinh nghiệm của Bộ Công an về thành lập các đơn vị liên quan đến an ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm gợi mở các bộ, ngành có thể nghiên cứu, áp dụng để bổ sung, lựa chọn nhân lực để triển khai ở các cấp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sau buổi làm việc, Tổ công tác sẽ thống nhất kiện toàn, bổ sung thêm thành viên Ban Chỉ đạo để phục vụ hiệu quả hơn yêu cầu nhiệm vụ thực hiện Đề án 06.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ trưởng Tô Lâm gửi lời chúc Tết tốt đẹp nhất đến các thành viên trong Tổ công tác cùng gia đình đón Xuân mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công….
Tại buổi làm việc, các đại biểu thống nhất cao trong năm 2023 là năm của hành động, quyết định sự thành bại của Đề án 06. Tổ công tác đã dự thảo 106 nhiệm vụ của từng bộ, ngành và 18 nhiệm vụ của các địa phương cần thực hiện. Cụ thể, đối với Bộ Công an, cần tập trung triển khai 33 nhiệm vụ (chiếm 31,1% trên tổng số nhiệm vụ cần thực hiện), trong đó phát huy vai trò thường trực, đề xuất đưa báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 vào thảo luận tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ hàng tháng; tập trung đề xuất hoàn thiện về pháp lý, như tham mưu ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, xây dựng Luật CCCD sửa đổi trình Quốc hội thông qua; tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID và đẩy mạnh việc cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân…
Văn phòng Chính phủ chủ trì 7 nhiệm vụ, trong đó tập trung triển khai ngay 2 nhiệm vụ; đôn đốc 10 dịch vụ công chậm muộn theo Quyết định 422, ngày 4/4/2022 của Chính phủ và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông khai sinh, khai tử để có cơ sở pháp lý triển khai trên toàn quốc.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì 17 nhiệm vụ, trong đó, cần tập trung đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nghiên cứu, xây dựng giải pháp, kế hoạch và triển khai xác thực, chuẩn hóa lại thông tin thuê bao sau khi đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vấn đề quy hoạch các trung tâm dữ liệu, tiêu chuẩn, định mức dữ liệu.
Bộ Tài chính chủ trì 8 nhiệm vụ; trong đó cần đẩy mạnh việc đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thống nhất sử dụng mã định danh công dân là mã số thuế, để thực hiện Công điện 889, ngày 1/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Thúc đẩy để triển khai trên toàn quốc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì 3 nhiệm vụ; trong đó cần đẩy mạnh việc đồng bộ dữ liệu bổ sung đăng ký doanh nghiệp sang Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an làm giàu dữ liệu dân cư.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì 3 nhiệm vụ; trong đó tổ chức triển khai chi trả qua tài khoản cho 100% các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money,...) từ ngân sách Nhà nước bảo đảm chính xác, nhanh chóng, tiện lợi, kịp thời.
Bộ Tư pháp chủ trì 3 nhiệm vụ, trong đó cần tập trung đôn đốc, hướng dẫn các địa phương số hóa dữ liệu hộ tịch theo 2 Quy trình số 1050, ngày 9/11/2022 và Quy trình số 1292, ngày 20/12/2022 đã được ban hành; đồng thời, rà soát bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Đề án 06, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Bộ Y tế chủ trì 5 nhiệm vụ, trong đó tập trung cập nhật thông tin, dữ liệu về y sĩ, bác sĩ, bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, giường bệnh, y trang thiết bị y tế... vào cơ sở dữ liệu của ngành y tế; kết nối, xác thực, làm sạch dữ liệu về y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý Nhà nước; hướng dẫn các cơ sở y tế cập nhật dữ liệu nhóm thông tin cơ bản về y tế vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an về việc chia sẻ một số trường thông tin cơ bản của Sổ Sức khỏe điện tử hiển thị trên ứng dụng VNeID theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì 2 nhiệm vụ, trong đó triển khai kết nối dữ liệu sinh viên với dữ liệu bảo hiểm nhằm hỗ trợ công tác thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, dự báo nguồn nhân lực và xu hướng nghề nghiệp của sinh viên ra trường
Bộ Nội vụ chủ trì 5 nhiệm vụ; trong đó cần xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ, đẩy nhanh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì 3 nhiệm vụ, trong đó tập trung hoàn thành quy trình làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhà ở, giao dịch bất động sản...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì 3 nhiệm vụ; trong đó cần tập trung triển khai chống trục lợi bảo hiểm: 80% cơ sở khám chữa bệnh sử dụng CCCD gắn chip để xác thực sinh trắc học
Bộ Giao thông Vận tải chủ trì 3 nhiệm vụ, trong đó cần tập trung phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoàn thành triển khai trên toàn quốc đối với 2 dịch vụ công: cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì 2 nhiệm vụ, trong đó cần tập trung làm sạch 100% dữ liệu thông tin tín dụng, đồng bộ mã số định danh và mã số tín dụng
Tập đoàn điện lực Việt Nam tập trung thực hiện nhiệm vụ triển khai xác thực thông tin chủ thể tham gia các hợp đồng của Ngành điện và Hải quan 4
Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì 2 nhiệm vụ, trong đó tập trung triển khai ngay giải pháp để tối ưu, nâng băng thông đồng bộ, thiết bị cơ yếu đáp ứng với sự phát triển của các nguồn dữ liệu lớn về dân cư.
Tòa án nhân dân Tối cao chủ trì 4 nhiệm vụ, trong đó tập trung kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về công bố bản án, quyết định của Tòa án; cơ sở dữ liệu về hồ sơ vụ án của Tòa án; cung cấp dịch vụ xác thực thông tin đối với các đương sự, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng... trên cổng dịch vụ của TAND để phục vụ triển khai tố tụng điện tử và xét xử trực tuyến
Bộ Xây dựng chủ trì nhiệm vụ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.