Triển khai các giải pháp cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thứ Sáu, 21/04/2023, 17:04

Sáng 21/4, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và chuẩn bị làm việc với đoàn Thanh Tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4. 

Theo Bộ NN&PTNT, hiện đội tàu cá của nước ta có 86.820 chiếc, trong đó có 29.000 chiếc tàu 15m trở lên. Từ đầu năm 2023 đến nay, nước ta có 16 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

Triển khai các giải pháp cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp -0
Theo Bộ NN&PTNT, hiện đội tàu cá của nước ta có 86.820 chiếc.

Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu năm 2023 tới nay, đội tàu của cả nước giảm hơn 9.000 chiếc, nhưng chưa làm rõ hiện trạng tàu cá này. Một số trung tâm đăng kiểm đã đăng kiểm tàu cá nhưng không nhập lên hệ thống đăng kiểm của Việt Nam. Hiện nay vẫn còn tình trạng một số tỉnh kiểm tra tàu ra vào cảng chưa đạt yêu cầu.

Trong năm 2022 cả nước có 84 tàu bị bắt giữ; đầu năm đến ngày 17/4/2023, có 16 tàu. Từ ngày 25/10/2022-17/4/2023, có 259 lượt tàu từ 24m mất kết nối 10 ngày. Lực lượng chức năng đã xử lý 10 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; đưa 1 cảng cá ra khỏi danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; cấm xuất khẩu thủy sản đối với 1 doanh nghiệp.

“Hai vấn đề quan trọng nhất bây giờ là quản lý về đội tàu và giám sát hoạt động. Bây giờ phải kiểm soát từng tàu đang ở đâu, hoạt động như thế nào, có đủ điều kiện đi hoạt động hay không, cấp phép, đăng ký, lắp thiết bị giám sát hành trình,… Trong quá trình hoạt động phải giám sát 24/7, hoạt động đúng tuyến, đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài. Thứ hai nữa là truy xuất nguồn gốc, giám sát rời xuất bến. Những tàu ra vào cảng đều phải được giám sát xem có đúng quy định hay không, tàu nào vào cảng không đúng quy định sẽ không cho bốc dỡ sản phẩm để xử lý theo đúng quy định. Phải giám sát trung thực, số lượng bao nhiêu, thành phần như thế nào, khai thác ở đâu để đảm bảo truy xuất nguồn gốc”, ông Vũ Duyên Hải cho hay.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia IUU đề nghị, đối với việc xử lý chống khai thác IUU tập trung xử lý nghiêm, giải quyết dứt điểm.

“Thời gian tới, các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành ven biển tập trung vào 6 nội dung trọng tâm chống khai thác IUU là truyền thông, văn bản quy phạm pháp luật, quản lý đội tàu và giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm hành chính, hợp tác quốc tế. Sắp tới, Bộ NN&PTNT đưa 6 thiết bị vào xử lý đối với những tàu cá vi phạm mất kết nối trong quá trình đánh bắt. Với mức quản lý 15-17% thì việc truy xuất nguồn gốc sẽ khó khăn. Tuy nhiên cái này phải thấy rằng cái này lực lượng biên phòng phải chủ công quản lý tàu, ngoài có cảnh sát biển mà đợt này đưa cảnh sát biển có quyền xử phạt”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Diễm Phúc
.
.
.