Tránh quy hoạch treo, lãng phí tài nguyên đất
Đại biểu đề nghị tránh quy hoạch treo, phải thay đổi nhiều lần, quy hoạch không rõ ràng, gây ra lãng phí nghiêm trọng.
Chiều 29/10, thảo luận tại tổ về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), đa số ý kiến nhận thấy hồ sơ về quy hoạch và kế hoạch trên cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục hồ sơ theo quy định của Luật Quy hoạch, tuy nhiên, thời gian trình chưa bảo đảm quy định của pháp luật.
Lấy ý kiến người dân về quy hoạch phải thực chất
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình), cho rằng việc lập quy hoạch sử dụng đất cần phải thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia để có sự điều chỉnh kịp thời, các nội dung phải gắn chặt với quy hoạch tổng thể quốc gia. Đại biểu cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch sử dụng đất là rất quan trọng, có tác động rất lớn đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân. Mặc dù trong luật quy định rất nhiều hình thức để lấy ý kiến nhân dân nhưng việc lấy ý kiến nhân dân hiện nay chủ yếu bằng hình thức đăng tải lên cổng thông tin điện tử, hiệu quả không cao.
“Nội dung của Dự thảo rất lớn và chuyên sâu, bản đồ rất nhỏ nên người dân khó theo dõi, đường truyền kém, người dân nông thôn tiếp cận với Internet còn hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn khó khăn nên họ ít quan tâm đến việc góp ý đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có đánh giá, tìm ra giải pháp lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất đảm bảo hiệu quả, tránh hình thức” – đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng chỉ rõ, quy hoạch sử dụng đất thời gian qua cho thấy hoạt động này còn nhiều bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất, chất lượng quy hoạch không cao, nhiều trường hợp dẫn đến quy hoạch treo, phải thay đổi nhiều lần, quy hoạch không rõ ràng, gây ra lãng phí nghiêm trọng.
Tránh lãng phí tài nguyên quốc gia.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường ( Đoàn Hà Nội) thì Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra cần xem xét lại quy hoạch sử dụng đất đô thị. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều quỹ đất dành cho phát triển đô thị lại bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Việc tăng quỹ đất đô thị cần được cân nhắc, tính toán xem có phù hợp với từng địa phương hay không? Điều này cũng là nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia. Ngoài ra, quy hoạch sử dụng đất cũng cần được đặt trong tổng thể quy hoạch từng vùng với những nhu cầu thực tiễn ở nơi đó.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, đất đai là nguồn tài nguyên quý hiếm, gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc và là nguồn lực lớn để phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, quy hoạch đất phải gắn với sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước. Việc làm này phải chặt chẽ, hiệu quả thì mới biết được nhu cầu sử dụng ở các địa phương, ngành nghề như thế nào để có sự cân đối quỹ đất. Đặc biệt, cần có quy hoạch đất nông nghiệp dành cho lĩnh vực chăn nuôi, đất trồng rừng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có dự báo về xu thế biến động đất đai ở các địa phương cũng như thống kê về nguồn đất chưa sử dụng, quỹ đất dự trữ để phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.