TP Hồ Chí Minh tìm nguyên do có tiền vẫn không thể giải ngân
Mặc dù Thành ủy, HĐND và UBND TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp có những chỉ đạo quyết liệt về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công nhưng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách vẫn còn lớn.
Ngày 30/10, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay thành phố được giao giải ngân hơn 68.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đến thời điểm chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm, thành phố mới giải ngân được 24.199 tỷ, đạt 35% kế hoạch.
Về vấn đề này, ông Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND thành phố cho biết, đến ngày 28/10 đã có 18/22 quận huyện cam kết sẽ giải ngân vốn đầu tư công ở mức 95% trở lên. Còn lại 4 địa phương là huyện Hóc Môn, các quận Gò Vấp, Tân Bình và TP Thủ Đức chỉ cam kết giải ngân từ 80-95% số vốn được giao.
Tại Hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI vào ngày 2/12 vừa qua, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng của thành phố chỉ đạt 31.051 tỷ đồng. Theo thông tin được các đơn vị báo cáo với Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến đến ngày 5/12 cả thành phố sẽ giải ngân thêm được 3.474 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân là 50,3%.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thông tin, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thành ủy tại Hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, tinh thần quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công theo Kế hoạch “Thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công” của UBND thành phố, từ cuối tháng 9 đến ngày 5/12 tổng số vốn đầu tư công dự kiến được giải ngân thêm là 12.717 tỷ đồng và tỷ lệ giải ngân sẽ tăng thêm là 18,5%. Trong 4 Ban Quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc UBND thành phố, Ban Quản lý các dự án công trình giao thông dự kiến giải ngân vốn đầu tư công năm nay chỉ đạt tỷ lệ 65%.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay, ngay từ ngày 16/3 Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã ban hành quyết định về Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. UBND thành phố yêu cầu từng cơ quan phải rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xuống ít nhất 30% thời gian theo quy định pháp luật và đảm bảo hoàn thành các bước theo kế hoạch giải ngân đã đề ra. Nhưng đề cập đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vào thời điểm đã sắp hết năm, ông Phan Văn Mãi cho biết, tính đến ngày 1/12 có 8 quận, huyện đã giải ngân được trên 80% vốn đầu tư công được giao. Riêng quận Gò Vấp đã giải ngân đạt 99% số vốn được giao. Những dự án có lý do chính đáng cũng phải quyết tâm không để mức giải ngân dưới 80%.
Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư tổ chức quán triệt, tổ chức lực lượng thi đua 60 ngày đêm thực hiện giải ngân đầu tư công. “TP Hồ Chí Minh xác định lấy đầu tư công dẫn dắt, kích cầu huy động các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước. Đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, kết hợp rà soát lại nguồn tiềm lực trong huy động nguồn vốn cho đầu tư công… vì vậy các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công”, ông Phan Văn Mãi yêu cầu.
Nhằm quyết liệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thành lập 13 tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy để giám sát tiến độ thực hiện của 38 dự án lớn, quan trọng với số vốn bố trí cho các dự án này lên đến 49.694 tỷ đồng, chiếm 70% vốn đầu tư công trong năm của thành phố. HĐND thành phố cũng đã thành lập đoàn giám sát để tổ chức giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021- 2025.
Tại hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, Ban thường vụ Thành ủy đã kết luận cần tập trung xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, chủ đầu tư dự án. Từ đó xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công được giao.
Để khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong năm tới, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện các sở, ngành đang phối hợp với các chủ đầu tư triển khai các thủ tục quyết định đầu tư để các dự án đủ cơ sở pháp lý bố trí vốn ngay trong quý 1/2024. Nhưng vấn đề trước mắt, TP Hồ Chí Minh cần tìm ra nguyên nhân để chấm dứt tình trạng có tiền vẫn không thể chi tiêu cho các công trình hạ tầng dở dang. Bởi đây không phải là năm đầu tiên thành phố không giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao.