Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023
Chiều 7/12, Chính phủ đã tổ chức phiên họp báo Chính phủ thường kỳ. Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo còn có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. Về phía Bộ Công an có Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn Phòng, Người phát ngôn Bộ Công an tham dự buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông tin tình hình kết quả kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024. Theo đó, về tình hình kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2024 tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,7%. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được cải thiện so với năm trước, đến ngày 8/11/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,21% so với cuối năm 2023, tăng 16,86% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2024 ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2024 ước đạt 1.560,7 nghìn tỷ đồng, bằng 73,6% dự toán, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2023. Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/11/2024 là khoảng 411 nghìn tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 65,1%).
Tính đến hết tháng 11 năm 2024, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2024 ước đạt 714,83 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 368,93 tỷ USD, tăng 14,1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 345,9 tỷ USD, tăng 16,5%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 23,03 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 26,24 tỷ USD).
Số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2024 là 147,244 nghìn doanh nghiệp, giảm 0,52% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 71,28 nghìn doanh nghiệp; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là gần 173,2 nghìn doanh nghiệp; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là gần 96,22 nghìn doanh nghiệp; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là khoảng 57,696 nghìn doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể là gần 19,263 nghìn doanh nghiệp.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả, trong đó nổi bật là chính sách tăng mức lương cơ sở. Việc làm, sinh kế cho người dân, đối tượng chính sách tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy. Về hỗ trợ gạo, trong 11 tháng năm nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân gần 21,8 nghìn tấn gạo.
Trong 11 tháng năm 2024, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 640.000 lao động; hỗ trợ xây dựng, mua, thuê mua hơn 6000 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho người nghèo và đối tượng chính sách... góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đồng hành cùng người dân vượt qua hậu quả bão lũ, đã nhanh chóng đưa nguồn vốn tín dụng chính sách về với người dân vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Tỷ lệ hộ dân đánh giá có thu nhập không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 96,2%.