Tổng Bí thư Tô Lâm: Chiến thắng Phước Long mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử
Tổng Bí thư nhấn mạnh chiến thắng Phước Long đã để lại bài học kinh nghiệm quý báu về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự đoàn kết quân-dân một lòng.
Tối 5/1, tại Quảng trường 6/1, trung tâm thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Phước Long (6/1/1975 - 6/1/2025) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Cùng tham dự có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Lương Tam Quang, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; các cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các tướng lĩnh, sỹ quan, cựu chiến binh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Phước qua các thời kỳ; lãnh đạo các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh…
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đọc diễn văn nhấn mạnh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam Việt Nam, Phước Long là tỉnh đầu tiên được giải phóng. Chiến thắng Phước Long đã tạo niềm tin cho quân và dân ta thúc đẩy mọi hoạt động trên chiến trường cũng như ở hậu phương, góp phần vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.
Từ vùng đất bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh “bom cày, đạn xới", sau ngày giải phóng, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thị xã Phước Long đã chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, từng bước xây dựng mảnh đất Phước Long ngày càng phát triển.
Sau khi chia tách vào năm 2009, Phước Long có tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế không ngừng phát triển, kết cấu hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ, hiện đại theo hướng mở rộng không gian đô thị, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng như tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chặng đường 50 năm sau ngày giải phóng (6/1/1975-6/1/2025) và 15 năm thành lập thị xã, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Phước Long với quyết tâm chính trị cao, tăng cường vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, đổi mới hoạt động của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, không ngừng tạo đột phá tăng trưởng kinh tế, gắn kết hài hòa giữa phát triển văn hóa-xã hội với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Phước Long phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ của khu vực phía Bắc tỉnh Bình Phước và đạt mục tiêu trở thành đô thị loại III vào năm 2030.
Từng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch giải phóng Phước Long, Đại tá Trần Quang Triệu, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 khẳng định, khi trở về đời thường, ông cùng đồng đội luôn tâm niệm rằng cần sống xứng đáng với truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; nói và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân.
Nối tiếp truyền thống anh hùng cách mạng của các thế hệ cha anh, đoàn viên Lê Hoài Nam, đại diện thế hệ trẻ thị xã Phước Long phát biểu cảm tưởng và bày tỏ quyết tâm của thế hệ trẻ thị xã Phước Long trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; với niềm tin, khát vọng lớn lao, nguyện phát huy tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, chiến thắng Phước Long thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta qua việc đánh giá tình hình, tận dụng thời cơ, đề ra quyết sách sáng suốt; thể hiện sự anh dũng, kiên cường của các đơn vị chủ lực thuộc Quân đoàn 4 và bộ đội địa phương, dân quân du kích.
Chiến thắng Phước Long là thắng lợi sau 20 năm chiến đấu không ngừng của quân dân Bình Phước, nhất là công nhân đồn điền cao su, đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân các dinh điền cùng các tầng lớp lao động khác. Chiến thắng Phước Long là thắng lợi của sự kết hợp sức mạnh ba thứ quân; là mồ hôi, công sức, xương máu của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống để giành độc lập, tự do.
Chiến thắng Phước Long có ý nghĩa hết sức to lớn, mở thông hành lang chi viện chiến lược; tạo bàn đạp vững chắc cho các binh đoàn chủ lực cơ động hướng về giải phóng Sài Gòn, là “đòn trinh sát chiến lược” để đánh giá khả năng phản ứng của đội quân tay sai và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ; giúp Bộ Chính trị củng cố quyết tâm, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam.
Tổng Bí thư nhấn mạnh chiến thắng Phước Long đã để lại bài học kinh nghiệm quý báu về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự đoàn kết quân-dân một lòng; sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích); về công tác binh vận, hậu cần phục vụ chiến đấu…
Tổng Bí thư khẳng định phát huy tinh thần Chiến thắng Phước Long, 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đã nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 9,32%, đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ 11 cả nước, ước cả giai đoạn 2021-2025 đạt 9,4%. Hạ tầng kinh tế-xã hội được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại và ngày càng được hoàn thiện.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Chính trị ổn định, quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... Đây chính là tiền đề quan trọng để Bình Phước hướng đến mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh chiến thắng Phước Long mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử, là động lực tinh thần, là bài học lớn về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, nêu cao tinh thần sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường.
Với niềm tin và khát vọng phát triển mạnh mẽ, Tổng Bí thư tin tưởng Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng; vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức; khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực; không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương Bình Phước phấn đấu trở thành một địa phương vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh; ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.
Tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Phước Long, phần thưởng cao quý từ Nhà nước, ghi nhận những thành tựu nổi bật của địa phương qua nhiều thập kỷ.
Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nhà Bia tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng đã hy sinh tại Núi Bà Rá và Đền tưởng niệm liệt sỹ và đồng bào tử nạn tại khu vực đồi Bằng Lăng, núi Bà Rá, thuộc thị xã Phước Long.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Bình Phước dành một phút mặc niệm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sĩ, đồng bào tử nạn đã ngã xuống để bảo vệ quê hương, đất nước.
Núi Bà Rá có độ cao 723m so với mực nước biển, là một trong ba ngọn núi cao và hùng vĩ nhất Nam bộ, là nơi ghi dấu nhiều chiến tích anh dũng, kiên cường của các chiến sỹ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Năm 1995, núi Bà Rá đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Khi Nhà Bia tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng hy sinh tại Núi Bà Rá được xây dựng vào năm 1997 đã tạo sự lan tỏa, huy động sự tham gia của xã hội. Năm 2009, từ nguồn xã hội hóa, Đền tưởng niệm các chiến sỹ và đồng bào tử nạn núi Bà Rá đã được xây dựng.
Đến nay, đền tưởng niệm đã trở thành một địa chỉ đỏ, công trình tín ngưỡng quen thuộc của người dân địa phương, của khách thập phương khi đến với Phước Long, Bình Phước.