Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người nặng lòng với công cuộc bảo tồn Di sản văn hóa Huế
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại bao thương tiếc đối với người dân Việt Nam, trong đó có người dân ở vùng đất Cố đô Huế. Trên cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư đã đến thăm và làm việc nhiều lần với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; đặc biệt luôn quan tâm, nặng lòng với công cuộc bảo tồn di sản văn hóa ở Cố đô Huế.
Nhà lãnh đạo am hiểu sâu sắc về lĩnh vực văn hóa, di sản
Người dân cố đô Huế vẫn không thể quên, cách đây hơn 10 năm, vào giữa tháng 3/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn theo tinh thần nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, kết luận của Trung ương.
Trong chuyến làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian để đến tham quan Đại Nội Huế và trò chuyện cùng các cán bộ quản lý, nhân viên Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế, là những người ngày đêm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di sản Cố đô Huế.
Là người được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ đón tiếp và giới thiệu cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác cấp cao của Đảng đến thăm khu di sản Huế nên khi nhắc lại sự kiện này, ông Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế (thời điểm ấy, ông Phan Thanh Hải là Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế) không giấu được sự xúc động.
“Đó là một chiều muộn, Huế vừa có một trận mưa lớn nhưng đồng chí Tổng Bí thư và đoàn công tác vẫn đúng lịch vào tham quan khu di sản Hoàng cung Huế. Khi tới điện Thái Hòa và các cung điện bên trong Đại Nội, Tổng Bí thư đã nghe chúng tôi giới thiệu rất chăm chú đồng thời luôn đưa ra những nhận xét ngắn gọn nhưng rất chuẩn xác về giá trị, ý nghĩa sâu sắc cũng như sự kết nối, kế thừa của di sản văn hóa thời Nguyễn trong dòng chảy lịch sử văn hóa của dân tộc”, ông Hải kể lại.
Tại di tích Thế Miếu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn đội ngũ những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa Cố đô cần phải không ngừng học tập phấn đấu để nâng cao trình độ kiến thức, bồi đắp tình yêu, sự tâm huyết đối với các di sản vô giá của dân tộc, nỗ lực vượt qua khó khăn để làm thật tốt việc gìn giữ phát huy kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng và hết sức có giá trị của đất nước mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang vinh dự lãnh trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ.
“Sau khi được giới thiệu về một số bài thơ tiêu biểu trên kiến trúc cung đình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn: Đó là một kho tàng tri thức văn hóa nghệ thuật tiêu biểu và vô cùng quý giá của người xưa, nhưng chúng ta cần phải học, phải hiểu thì mới có thể phát huy tốt được. Lời căn dặn đó chính là động lực để sau đó chúng tôi quyết tâm xây dựng hồ sơ Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế trình UNESCO. Và ngày 19/5/2016, Di sản này đã được ghi danh, trở thành Di sản Tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, ông Phan Thanh Hải bồi hồi nhớ lại.
Ông Phan Thanh Hải xúc động chia sẻ thêm, dù đã được đón tiếp nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia đến thăm khu di sản Cố đô nhưng ông vẫn rất ấn tượng bởi phong cách giản dị, thái độ chân thành cùng sự am hiểu sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lĩnh vực văn hóa, di sản. “Có thể nói rằng, những thay đổi mang tính đột phá của Thừa Thiên Huế nói chung và sự nghiệp bảo tồn di sản Cố đô Huế nói riêng có vai trò rất to lớn của đồng chí Tổng Bí thư ”, ông Phan Thanh Hải bộc bạch thêm.
Tiếc thương nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ, mẫu mực
Trong mỗi chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những dấu ấn rất đặc biệt đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
Năm 2014, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc với Thừa Thiên Huế, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo 175-TB/TW ngày 1/8/2014 thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.
Và đúng 5 năm sau (năm 2019), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì một phiên làm việc đặc biệt của Bộ Chính trị với tỉnh Thừa Thiên Huế để tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW, rồi sau đó ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đến nay, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sẵn sàng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng văn hóa, di sản.
Và những ngày qua, sau khi nghe thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cùng với nhân dân cả nước, cán bộ, đảng viên, người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã không giấu được sự tiếc thương, xúc động.
Ông Lê Quang Tòa, Bí thư Chi bộ tổ 7 phường Hương Long, TP Huế cho biết, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự mất mát vô cùng lớn đối với người dân Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo mẫu mực, nói đi đôi với làm, không khoan nhượng, dung thứ cho những việc làm sai trái, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực những năm gần đây để lại dấu ấn sâu đậm, là cơ sở niềm tin, nhân lên sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong toàn Ðảng và cả hệ thống chính trị. Những kết quả ấy gắn liền với tên tuổi, công sức không nhỏ của đồng chí Tổng Bí thư kính mến.
“Và những năm qua, đảng viên trong chi bộ, nhân dân trong tổ dân phố chúng tôi đã nỗ lực làm việc, lao động, sản xuất theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Nhờ thế nên đầu năm 2024, Chi bộ, tổ dân phố và nhân dân tổ 7 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ TP Huế tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Thành ủy Huế về “Tuyên truyền, giáo dục, phát huy giá trị đạo đức, lối sống và phong tục tập quán Huế đặc sắc gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”, ông Lê Quang Tòa cho hay.
Nhìn nhận vấn đề bao quát trên cả địa bàn của vùng đất Cố đô, nhờ thực hiện đúng theo đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, liên tiếp nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng sức đồng lòng, đoàn kết, nỗ lực thực hiện thắng lợi các kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có sự nỗ lực để thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.