Tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới”
Ngày 24/6, tại Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới”.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết chủ trì Tọa đàm.
Tham dự có lãnh đạo các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; lãnh đạo một số Bộ, Ngành Trung ương và Sở, Ban, Ngành trong tiểu vùng Nam Trung Bộ cùng các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án và một số chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các Bộ, Ngành cùng các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận các nội dung chính:
Thứ nhất là làm rõ tiềm năng, lợi thế từng địa phương trong tiểu vùng và cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đề xuất định hướng lớn về vai trò, chức năng và nhiệm vụ chính của từng địa phương.
Thứ hai là làm sâu sắc kết quả, thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn liên kết phát triển kinh tế tiểu vùng Nam Trung bộ trong thời gian qua.
Thứ ba là làm rõ hơn về xu hướng tất yếu và lợi ích của các địa phương khi tăng cường liên kết phát triển tiểu vùng, nhất là trong bối cảnh nhiều xu thế kinh tế mới, nhiều thách thức mới xuất hiện như dịch bệnh COVID-19, chính sách bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu.
Thứ tư là phân tích, đánh giá các kinh nghiệm, mô hình quốc tế về liên kết phát triển vùng để vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp vào phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đặc biệt là về thể chế, chính sách và mô hình quản lý, bộ máy.
Thứ năm là tập trung làm rõ về thuận lợi, khó khăn, các vấn đề đặt ra trong liên kết tiểu vùng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, phát triển đô thị; liên kết khai thác hải sản xa bờ, phát triển nuôi trồng thủy sản công nghiệp; đầu tư xây dựng hệ thống các âu thuyền và cầu tàu; phát triển dịch vụ hỗ trợ nghề cá kết hợp với bảo vệ an ninh trên biển; phát triển các khu kinh tế biển gắn với phát triển công nghiệp biển và du lịch...
Từ những vấn đề cần làm rõ nêu trên sẽ đề xuất Ban Chỉ đạo những giải pháp về quy hoạch, tổ chức không gian, khai thác hiệu quả quả lợi thế đặc thù của các địa phương, đồng thời giúp các Bộ, Ngành, địa phương tiếp tục thay đổi tư duy, nhận thức và hành động nhằm nâng cao hiệu quả tang cường liên kết vùng, tiểu vùng.
Cũng từ đó, các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học cung cấp cho Ban Chỉ đạo những luận cứ khoa học, thực tiễn để tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, nguồn lực đặc thù thúc đẩy liên kết tiểu vùng và liên kết vùng nhằm khơi thông nguồn lực, giải quyết các khó khăn, thách thức và tận dụng hiệu quả các lợi thế riêng có của từng địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ…