Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thứ Năm, 31/08/2023, 14:32

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 135/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2023.

Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện 2 hồ sơ dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Công an và Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các địa phương; tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận, thống nhất; có lập luận chặt chẽ, thuyết phục để hoàn thiện 2 dự án Luật bảo đảm các yêu cầu:

Tiếp tục rà soát các nghị quyết của trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội và của Chính phủ liên quan đến quản lý trật tự xã hội, phát triển hạ tầng… để thể chế hóa trong luật. Đánh giá những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, luật hóa những quy định đã được thực hiện ổn định, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

 Rà soát quy định của các luật có liên quan để việc sửa đổi, bổ sung 2 dự án luật bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ và đúng thẩm quyền của các cơ quan (Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính …). Rà soát bảo đảm không quy định các vấn đề về tổ chức bộ máy trong 2 dự án luật.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ -0
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ lấy người dân là trung tâm phục vụ.

Đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, Chính phủ yêu cầu phân định rõ hơn phạm vi điều chỉnh, nội dung quản lý nhà nước trong dự án Luật, bảo đảm rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, không để chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống; giải quyết được những vướng mắc, bật cập trong thực tiễn. Đặc biệt là phân định rõ trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước đối với phương tiện giao thông. Bộ Công an quản lý về hoạt động của phương tiện, Bộ GTVT quản lý nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện và đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (tại các Chương III, IV, VIII dự thảo Luật).

Tiếp tục rà soát các quy định về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải (Điều 35); danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm (Điều 42)… bảo đảm thống nhất với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bảo vệ môi trường, hóa chất…; điều kiện sát hạch viên (Điều 53); điều kiện cấp đổi, thu hồi giấy phép lái xe (Điều 54) bảo đảm đúng thẩm quyền; cơ sở dữ liệu (Điều 7) bảo đảm không chồng chéo, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Rà soát các thủ tục hành chính bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế và điều kiện, thu nhập của người dân như: Xe đưa đón học sinh của cơ sở giáo dục đào tạo trước khi thực hiện phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về GTVT cấp tỉnh về lịch trình, danh sách lái xe, màu sơn xe (Điều 46); kiểm định khí thải với xe mô tô, gắn máy (Điều 36); khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe bao gồm cả mô tô, xe gắn máy (Điều 51); dừng xe trong trường hợp khẩn cấp (Điều 24, Điều 25).

Luật hóa một số quy định đã được thực thi ổn định về kiểm định xe cơ giới và có quy định cho loại hình phương tiện thông minh trong tương lai.

Nguyễn Hương
.
.
.