Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp

Thứ Tư, 10/07/2024, 14:05

Sáng 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 bằng hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, trong thời gian qua, công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và có nhiều đổi mới. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương ban hành 1.528 VBQPPL cấp tỉnh, 1.038 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc lập đề nghị, trình Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều dự án quan trọng do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo (Luật Thủ đô, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng…).

Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì Hội nghị. 

Công tác pháp luật quốc tế tiếp tục được Bộ Tư pháp, các bộ triển khai thực hiện tốt. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã tham mưu Ban Bí thư ban hành chỉ thị về giải quyết tranh chấp quốc tế; thẩm định, góp ý 144 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; cung cấp 4 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài. Về ủy thác tư pháp, đã tiếp nhận, chuyển giao cho các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài là 830 hồ sơ và tiếp nhận ở nước ngoài để chuyển về các cơ quan trong nước là 439 hồ sơ.

Đối với công tác thi hành án dân sự, trong 9 tháng đầu năm 2024 ( tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 30/6/20240, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 404.000 việc, tăng 21.711 việc (tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2023); đạt tỉ lệ 65,24% với hơn 73.000 tỷ đồng; tăng hơn 2.736 tỷ đồng (tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2023), đạt tỉ lệ 27,6%. 400 vụ việc trong lĩnh vực thi hành án hành chính đã thi hành xong.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký giao dịch đảm bảo, bồi thường nhà nước đã kịp thời giải quyết khối lượng lớn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Trên hệ thống dữ liệu đã ghi nhận tổng số hơn 2 triệu việc hộ tịch các loại. Trên toàn quốc đã chứng thực hơn 36 triệu bản sao, thực hiện được hơn 3,8 triệu việc chứng thực chữ ký và hơn 868 nghìn việc chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận, xử lý trên 219 nghìn thông tin, cập nhật và tạo lập, tích hợp vào Cơ sở dữ liệu hơn 158 nghìn thông tin. Các sở Tư pháp đã cấp được gần 610 nghìn phiếu lý lịch tư pháp.

Trong 6 tháng đầu năm, các luật sư đã tham gia gần 64 nghìn việc, đạt doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng; các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng hơn 4 triệu hợp đồng; đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 173 tỷ đồng. Cả nước tiếp nhận, thực hiện hơn 42 nghìn vụ việc trợ giúp pháp lý.... Các bộ, ngành địa phương đã tổ chức hơn 305 nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 24 triệu lượt người; hơn 4.000 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với khoảng 4 triệu lượt người dự thi; phát hơn 22 triệu tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật...

Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành Tư pháp tập trung triển khai 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 130 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực công tác năm 2024. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024. Tổ chức thi hành án dân sự bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp trong cả nước. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; sử dụng linh hoạt các giải pháp về công tác cán bộ; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có); kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc.

Nguyễn Hương
.
.
.