Thực thi Luật Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trên biển

Thứ Bảy, 24/09/2022, 08:31

Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, sau 3 năm triển khai, Luật đã thực sự trở thành công cụ sắc bén, cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát biển thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam.

Luật gồm 8 chương, 41 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thực thi Luật Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trên biển -0
Ngoài tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Hải đội 33 còn tặng quà cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Để thể chế hóa các biện pháp công tác của Cảnh sát biển nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã quy định cụ thể 7 biện pháp công tác của lực lượng Cảnh sát biển tại Điều 12, Mục 1, Chương 3.

Cụ thể, biện pháp vận động quần chúng; biện pháp pháp luật; biện pháp ngoại giao; biện pháp kinh tế; biện pháp khoa học kỹ thuật; biện pháp nghiệp vụ và biện pháp vũ trang. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam là người sẽ quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác theo quy định tại Điều 12 Luật Cảnh sát biển và chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.

Từ khi có Luật Cảnh sát biển Việt Nam, công tác thực thi pháp luật trên biển như tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát biển triển khai thuận lợi. Cảnh sát biển thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện ứng trực, kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên thực địa; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và các hoạt động kinh tế biển.

Thực thi Luật Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trên biển -0
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân vùng biển Hòn La, Quảng Bình.

Tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, tuyên truyền và kiên quyết yêu cầu tàu cá nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; tích cực đấu tranh phòng chống, xử lý vi phạm, tội phạm trên biển, bảo đảm an toàn hàng hải, phòng chống ô nhiễm môi trường biển; ngăn chặn cướp biển, cướp có vũ trang...

Nhờ đó, 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát biển đã yêu cầu hàng chục lượt chiếc tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; phát hiện xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy trên biển, góp phần giữ vững mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Để đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi vào cuộc sống, các đơn vị trong Bộ Tư lệnh đã tăng cường công tác tuyên truyền Luật đến với ngư dân các tỉnh, thành phố ven biển.

Mới đây nhất, Hải đội 33, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp Huyện ủy Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tổ chức chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.

Tại chương trình, báo cáo viên của Hải đội 33 đã thông tin về vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cách xác định về vùng nội thủy, đường cơ sở, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc vùng biển Việt Nam theo công ước Luật Biển năm 1982; tình hình an ninh, an toàn biển, đảo của nước ta hiện nay; Luật Biển Việt Nam; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; quan điểm, chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề trên biển; tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định cho hơn 300 cán bộ, đảng viên, nhân dân, ngư dân, học sinh.

 T.H.
.
.
.