Thúc đẩy duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Chủ Nhật, 10/09/2023, 08:23

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Mai Phan Dũng, các giải pháp cần làm ngay là: tạo môi trường học tập hấp dẫn, phong phú về nội dung và hình thức; đa dạng hóa, đổi mới các giáo trình học tiếng Việt trên cơ sở tận dụng các nền tảng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hình thức giảng dạy; tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, đăng phát thông tin trên nhiều nền tảng…

Nguồn lực để lan tỏa tiếng Việt

Nhằm thúc đẩy việc duy trì và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Văn bản số 759/TTg-QHQT ngày 24/8/2023 đồng ý với nội dung cơ bản của Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 với các hoạt động cụ thể như đề xuất của Bộ Ngoại giao. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trong nước và ở sở tại trong tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt, hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng.

Thúc đẩy duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài -0
Cô trò Trường tiếng Việt Lạc Long Quân, Ba Lan trong lễ khai giảng năm học 2019-2020. Ảnh: Trường Lạc Long Quân.

Trước đó, ngày 3/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” tại Quyết định số 930/QĐ-TTg, lấy ngày 8/9 hằng năm là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Kiều bào không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể chính tham gia thực hiện đề án.

Nói rõ hơn về đề án này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc, phản ánh, duy trì và lan tỏa bản sắc và tinh hoa văn hóa Việt Nam, đóng góp vào việc củng cố nền độc lập của Tổ quốc và đại đoàn kết dân tộc. Đối với cộng đồng gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, tiếng Việt là niềm tự hào, là điểm tựa kết nối, là nhân tố giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, giúp bà con khẳng định vị thế và tự tin hội nhập với thế giới.

Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tiếng Việt cũng đang đối mặt với nguy cơ mai một, mất dần sự trong sáng khi thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài chưa bị ảnh hưởng, tác động bởi văn hóa sở tại.

Thúc đẩy duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài -0
Một tiết học tiếng Việt tại Trường Sao Mai ở Berlin (Đức).

Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc. Nhiệm vụ này cũng đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và khẳng định thành chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc”.

Năm 2023 là năm đầu tiên tổ chức triển khai đề án, ghi dấu ấn với những hoạt động tôn vinh tiếng Việt được triển khai đồng bộ với quy mô rộng khắp ở cả trong và ngoài nước, với sự chung tay và tham gia tích cực của các ban, bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và đặc biệt là của bà con ta ở nước ngoài, trở thành sự kiện thu hút cộng đồng NVNONN, tạo hiệu ứng lan tỏa các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Đây chính là nền tảng để thúc đẩy công tác đại đoàn kết dân tộc, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt của nhân dân trong nước đối với kiều bào ở nước ngoài.

Và những cách làm thiết thực

Trong khi đó, tại Hội thảo tổng kết triển khai Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2023 tổ chức tại Hà Nội ngày 8/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho biết, việc tôn vinh tiếng Việt cũng sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của cộng đồng NVNONN.

Thúc đẩy duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài -0
Lớp học tiếng Việt ở Ekaterinburg, Nga.

Thời gian qua, một loạt hoạt động cụ thể đã được đồng bào ta ở nước ngoài thực hiện như: xây dựng tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng (tại Áo, Slovakia, Hungary, Nhật Bản); hành trình tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023”; chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tiếng Việt thân thương”; Hội nghị Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2023. Bên cạnh đó là các hoạt động thường niên như: khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt lần thứ 9 tại Hà Nội cho 60 giáo viên kiều bào về từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ; “Trại hè Việt Nam” với sự tham gia của 120 đại biểu về từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm bồi dưỡng tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào thông qua các hoạt động giao lưu…

“Một hướng quan trọng khác đã được ủy ban thúc đẩy là cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với bộ, ngành liên quan thúc đẩy việc vận động chính quyền các nước sở tại có đông người Việt sinh sống đưa tiếng Việt và kiến thức văn hoá, lịch sử Việt Nam vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở một số địa bàn như: Lào, CH Czech, Đài Loan (Trung Quốc)… Chúng tôi cũng phối hợp, hỗ trợ cho các hoạt động như: xây dựng website dạy tiếng Việt cho NVNONN của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; chương trình “Chào Tiếng Việt” và “Dấu ấn Việt Nam” của VTV4… Các chương trình này đều nhằm khích lệ lòng tự tôn dân tộc, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tôn vinh trí tuệ Việt, bản sắc Việt qua các thời đại; nâng cao năng lực ngôn ngữ Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ NVNONN”, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về nguyện vọng của bà con ở nước ngoài, PGS Nguyễn Lân Trung thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: “Kiều bào ta mong muốn, bên cạnh sách và lớp học truyền thống, có được học liệu điện tử, trực tuyến để các cháu có thể tự học, để phụ huynh có thể giúp các cháu thực hành tiếng Việt mọi nơi mọi lúc, lúc rỗi rãi ở nhà, trong bữa ăn, lúc đi nghỉ, đi chơi..., lúc đó các cháu dễ dàng tiếp thu. Mặt khác bà con ta ở nước ngoài, với các điều kiện sinh sống và làm ăn đa dạng, cũng muốn việc tiếp xúc và học tiếng Việt cần có nhiều hình thức hơn, loại hình phong phú hơn nữa, các cách tiếp cận tự nhiên hơn, lôi cuốn hơn, giàu cảm xúc hơn, kể cả các cuộc thi, các hoạt động văn hóa nghệ thuật có sử dụng tiếng Việt..., để tạo động lực đến với tiếng Việt, nhất là đối với các em nhỏ, từ đó cảm thấy yêu tiếng Việt hơn, muốn học và thực hành tiếng Việt hơn”.

Với tư cách là Sứ giả tiếng Việt năm 2023, TS Trần Hồng Vân (đến từ Đại học Charles Sturt, Australia) cho biết, chị đã tham gia vào các dự án nhằm hỗ trợ phụ huynh trong việc dạy tiếng Việt cho con cái gia đình như Viet Speech và Đọc sách cùng con. Kết quả nghiên cứu của dự án Viet Speech - dự án đầu tiên trên thế giới nghiên cứu về năng lực tiếng Việt của trẻ em gốc Việt ở Australia cho thấy, để duy trì tiếng Việt ở thế hệ con cái, cha mẹ phải dành thời gian nói chuyện và có thái độ tích cực trong giảng dạy tiếng Việt ở nhà cho con từ khi mới sinh ra. "Không nên dạy tiếng Việt cho con như một ngôn ngữ thứ hai, không nên để con cứ học tiếng nước sở tại rồi đến 7, 8 tuổi mới cho đi học tiếng Việt. Việc giảng dạy phải bắt đầu từ ngay trong sinh hoạt gia đình thì mới thành công", TS Trần Hồng Vân nhận định.

Còn ông Lê Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường tiếng Việt Lạc Long Quân ở Ba Lan, Trưởng ban điều hành diễn đàn “Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài” cho biết, với 25 năm kinh nghiệm dạy học tiếng Việt ở Ba Lan và một số nước khác, trường đã tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ song song với việc học, giúp các em học sinh được thực hành nhiều hơn trong giao tiếp, sử dụng thành thạo tiếng Việt. Theo ông Lê Xuân Lâm, để các thế hệ trẻ sau này không quên được tiếng Việt, phải đầu tư bài bản, dài hạn, có chiến lược cụ thể, lâu dài từ chính quyền và các tổ chức xã hội, cộng đồng và có sự kiên trì, nỗ lực của chính kiều bào. “Cái khó nhất chính là vấn đề kinh phí”, ông Lê Xuân Lâm nói.

Từ những chia sẻ và kiến nghị của cộng đồng NVNONN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Mai Phan Dũng cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là: tạo môi trường học tập hấp dẫn, phong phú về nội dung và hình thức để tạo nền tảng cho cộng đồng kết nối, chia sẻ và bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt, nhất là trong thế hệ trẻ NVNONN; đa dạng hoá, đổi mới các giáo trình học tiếng Việt trên cơ sở tận dụng các nền tảng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hình thức giảng dạy, đào tạo dạy và học tiếng Việt; tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, đăng phát thông tin trên nhiều nền tảng, kênh truyền thông để lan tỏa rộng rãi đến công chúng ở cả trong và ngoài nước… Để từ đó, tiếng Việt cất lên ở nước ngoài trở nên thân thương hơn, là sợi dây kết nối người Việt với quê hương.

Sông Thương
.
.
.