Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để thiếu điện
Yêu cầu này của Thủ tướng Phạm Minh Chính được nêu tại văn bản về đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối 2023 và năm 2024, vừa được gửi đến Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính và một số cơ quan có liên quan.
Theo đó, Chính phủ nhận định cung ứng điện giai đoạn cuối mùa khô 2023 vừa qua gặp khó khăn. Khu vực miền Bắc xảy ra tình trạng thiếu điện, phải cắt luân phiên từ cuối tháng 5 đến 22/6. Việc này đã ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân. Nhiều doanh nghiệp có nhà máy tại các khu công nghiệp phía Bắc bị cắt điện trong nhiều giờ, liên tục trong tuần.
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến thiếu điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân vừa qua để có hình thức xử lý theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6/6/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành đột xuất về quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan (giai đoạn từ 1/1/2021 đến 1/6/2023) và thành lập Tổ giám sát hoạt động thanh tra.
Để bảo đảm kế hoạch cung ứng điện những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch; chỉ đạo vận hành ổn định và khắc phục nhanh các sự cố đối với các nguồn điện.
Theo đó, yêu cầu khai thác tối đa, hiệu quả nguồn khí tự nhiên trong nước để sản xuất điện; Cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy nhiệt điện và điều hành nguồn nước đối với các nhà máy thủy điện; ưu tiên nhập khẩu điện, mua than của Lào để bảo đảm cung ứng đủ điện, đáp ứng yêu cầu hiệu quả…
Bộ Công Thương cần khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi, tối ưu tổng thể.
Về làm đường dây truyền tải, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo, lãnh đạo triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, đầu tư xây dựng Dự án đường dây truyền tải 500kV từ Quảng Trạch ra các tỉnh Bắc Bộ (đến Phố Nối), đảm bảo phải hoàn thành trong tháng 6/2024 để tăng cường năng lực truyền tải ra các tỉnh Bắc Bộ vào các tháng cao điểm nắng nóng năm 2024.
Văn bản nêu rõ, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm tiến độ hoàn thành nêu trên. Bộ này cũng được yêu cầu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án nguồn và lưới điện, chế tài xử lý các dự án chậm tiến độ, không để xảy ra thiếu điện do chậm tiến độ các dự án nguồn và lưới điện.
Với các dự án nguồn, lưới điện chậm tiến độ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền chế tài xử lý.
Để giải quyết những vướng mắc về phát triển nguồn điện, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có hướng dẫn UBND thành phố Cần Thơ, EVN, PVN về chuyển chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện Ổ Môn III và Ô Môn IV theo quy định; hoàn thành trước ngày 20/8/2023. Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về chuyển giao nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 theo đề nghị của EVN. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát EVN, TKV, PVN; chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc vận hành ổn định và khắc phục nhanh các sự cố (nếu có) đối với các nguồn điện của EVN, PVN và TKV. Còn EVN, PVN, TKV thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan vận hành hệ thống điện quốc gia, đầu tư phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả…
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương phải tập trung nghiên cứu, hoàn thiện, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Bộ Công Thương đã có đề xuất phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu chỉ cho nhà dân và công sở, Thủ tướng giao “ Bộ Công Thương xem xét sự phù hợp về đối tượng áp dụng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại theo ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan liên quan”.
Đồng thời, phải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quyết định số 24 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân theo hướng cho phép điều chỉnh giá điện theo thực tế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023. Ngoài ra, cơ quan này được giao phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ, thủ tục liên quan đến việc chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia về Bộ Công Thương theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Trong tháng 8, Bộ này phải báo cáo Chính phủ về sửa Luật Điện lực, trong đó có các quy định về cơ chế, chính sách mua bán điện (gồm mua bán điện trực tiếp - DDPA) với năng lượng tái tạo; cơ chế đầu tư, sản xuất, kinh doanh, vận hành của ngành điện theo thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, cạnh tranh, minh bạch.