Thủ tướng: Tạo điều kiện tốt nhất để kiều bào đóng góp xây dựng và phát triển đất nước
Tối ngày 4/11 (theo giờ Paris), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt rất xúc động với đại diện kiều bào tại khu vực châu Âu, được tổ chức tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất để kiều bào đóng góp xây dựng và phát triển đất nước.
Cùng tham dự cuộc gặp mặt có các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, các đại sứ Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại nhiều nước châu Âu.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại các nước châu Âu bày tỏ đánh giá cao chuyến công tác đặc biệt tới Anh và Pháp đạt nhiều kết quả tốt đẹp của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; bày tỏ xúc động và cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chuyến đi đã mang lại kết quả vang dội, cụ thể, được dư luận quốc tế đánh giá cao.
Các đại biểu thông báo về tình hình đời sống, học tập, sinh hoạt và làm việc tại nước sở tại; khẳng định lòng tự hào dân tộc, tình cảm sâu sắc với quê hương, đất nước với những hành động thiết thực, cụ thể, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua; bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ và tương lai ngày càng tốt đẹp của đất nước trong giai đoạn tới. Đồng thời, các đại biểu nêu nhiều kiến nghị, đề xuất, góp ý với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, nhất là trong tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư và tạo điều kiện tốt hơn nữa để kiều bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và phát triển đất nước…
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng xúc động cho biết, ông cảm nhận sâu sắc tình cảm sâu đậm, nồng ấm của đồng bào đã tới dự cuộc gặp mặt từ những nơi xa xôi trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp, với những phát biểu tâm huyết, trách nhiệm với quê hương, đất nước, đồng bào.
Ông nhắc lại câu thơ “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi” và những câu chuyện dân gian của dân tộc với những bài học có ý nghĩa quan trọng, sâu sắc như Thánh Gióng (về tinh thần, sức mạnh chống ngoại xâm), câu chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ (về tinh thần đoàn kết dân tộc), câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh (về tinh thần và kinh nghiệm ứng phó thiên tai, bão lũ), câu chuyện Mỵ Châu (tinh thần cảnh giác với kẻ thù), câu chuyện Tấm Cám hay Thạch Sanh (tôn vinh những người lao động cần cù, thật thà)… Thủ tướng cho rằng, nhân dân ta, cha ông ta trong suốt chiều dài lịch sử đã vận dụng, phát huy những bài học, giá trị truyền thống lâu đời đó một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử.
Theo Thủ tướng, đất nước ta đã trải qua những thăng trầm, thách thức, biến cố lịch sử lớn, những cuộc chiến tranh kéo dài, bị bao vây cấm vận, sau đó mới tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986. Từ lúc rất khó khăn khi bắt đầu đổi mới, “làm ăn không đủ ăn, xuất không đủ nhập, thu không đủ chi”, đến nay, chúng ta đã phát triển đất nước với quy mô GDP đứng thứ 4 trong ASEAN, thu nhập bình quân đầu người 3.500 USD, có vị thế mới và sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế.
Phân tích, làm rõ hơn điều này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ kết quả Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự các sự kiện gần đây như Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh, cũng như kết quả chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chương trình tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng xanh…
Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn mạnh với 5 triệu người, có liên hệ rất quan trọng với đất nước. Khi làm việc với lãnh đạo bất cứ nước nào, Thủ tướng cũng đề nghị quan tâm, tạo điều kiện, tạo cơ hội cho người Việt ổn định cuộc sống, đóng góp vào tình hữu nghị của hai nước và xây dựng nước sở tại.
“Rất đáng mừng là ở đâu, chúng ta cũng chứng minh được, ở đâu người ta cũng khen ngợi người Việt Nam chăm chỉ, thông minh, linh hoạt, vượt khó. Truyền thống của chúng ta là mỗi lúc khó khăn, thử thách lại nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định mình, điều này được hun đúc qua các thời kỳ lịch sử, từ lòng yêu nước, thương nòi, từ tinh thần, sức mạnh đoàn kết”, Thủ tướng xúc động chia sẻ. Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước, điều này được thể hiện qua Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45 và gần đây là Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.
Thủ tướng bày tỏ, thời gian tới, điều được Đảng, Nhà nước mong muốn nhất là bà con kiều bào tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, đồng thời gắn bó với nước sở tại, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Phát biểu này của Thủ tướng được bà con kiều bào dự cuộc gặp mặt hưởng ứng nhiệt liệt bằng những tràng pháo tay mạnh mẽ.
Cùng với đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn bà con tiếp tục giữ vững, phát huy lòng tự hào, tự tin dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn lên, khẳng định mình; góp phần củng cố quan hệ giữa Việt Nam và nước sở tại; xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình và đóng góp xây dựng đất nước cũng như nước sở tại.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng đất nước nói chung và trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh, bà con dù còn những khó khăn nhưng luôn hướng về Tổ quốc.
Về kiến nghị của các đại biểu, Thủ tướng giao các cơ quan chức năng nghiên cứu cách giải quyết phù hợp, bảo đảm đúng luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kiều bào. Trong đó, Thủ tướng cho rằng những đề xuất về việc dạy và học tiếng Việt là rất chính đáng, việc này có thể thông qua những câu chuyện giản dị của dân tộc nhưng có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện rõ bản sắc Việt Nam.
Thủ tướng chỉ đạo, “cần nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị một cách thực chất, nói đi đôi với làm, chứ không phải nói mà không làm”, theo tinh thần “nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thành quả thật”.