Thủ tướng phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 xuyên Tết
Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 được tổ chức tại trụ sở Chính phủ vào sáng nay, 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID- 19 mùa xuân 2022 từ ngày 1/2 đến 28/2, giao cho Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vaccine xuyên Tết Nguyên đán.
Sáng 20/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2021 là năm đánh dấu các làn sóng dịch bùng phát với quy mô và cường độ dữ dội hơn năm 2020 trên toàn cầu. Ở nước ta, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, xâm nhập sâu vào các cộng đồng dân cư, đô thị lớn. Các tỉnh Đông Nam bộ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của làn sóng thứ 4, vượt xa năng lực hiện hữu của hệ thống y tế các địa phương này. Số ca nhiễm, đặc biệt là số ca nhiễm cần chăm sóc y tế tăng vọt trong thời gian rất ngắn, tạo ra áp lực lên toàn bộ hệ thống cung ứng dịch y tế, gây ra tình trạng quá tải, thậm chí khủng hoảng y tế cục bộ ở một số thời điểm.
Từ đầu dịch đến hết ngày 31/12/2021, Việt Nam có 1.731.257 ca nhiễm, 32.394 ca tử vong. Cả nước đã trải qua 4 đợt bùng phát, quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt có xu hướng phức tạp hơn. Tính trên 1 triệu dân, Việt Nam có số ca mắc xếp thứ 144/223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, 9/11 nước khu vực ASEAN; số tử vong xếp thứ 131/223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, 6/11 nước khu vực ASEAN. Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 1,9%, xếp thứ 58/223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, 3/11 quốc gia trong khu vực ASEAN.
Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron, đến ngày 19/1/2022 đã có 108 ca, nguy cơ Omicron lây lan trên diện rộng rất cao. Trong thời gian tới, các tỉnh có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cộng đồng, kể cả do biến chủng Omicron và thậm chí sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron.
Trong năm 2021, ngành Y tế đã nỗ lực vượt bậc trong công tác phòng, chống dịch; triển khai các giải pháp điều trị để giảm tử vong; triển khai chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử…
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số vaccine đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hơn 227,4 triệu liều, đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều. Tính đến ngày 18/1/2022, cả nước đã tiêm được 178 triệu liều. Tỷ lệ vaccine bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 100% và tử lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt 93,4%, tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022.
Theo thống kê, số ca tử vong đã giảm từ khoảng 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn trên 200 ca/ngày, chủ yếu người cao tuổi, mắc bệnh nền, chưa tiêm vaccine (chiếm 70%). Số ca bệnh nặng giảm sâu (đến 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch tháng 8, 9.
Theo nhận định của Bộ Y tế, năm 2022 dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn; số ca mắc có thể tăng nhanh cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Với sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nưa trong công tác phòng chống.
Ngành Y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng tuyến đầu đã, đang và sẽ quyết tâm trong cuộc chiến chống COVID-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả đạt được của ngành y tế năm 2021. Thủ tướng nhấn mạnh: Nhìn lại năm 2021 thành tựu chung của cả nước trong điều kiện khó khăn, chúng ta giữ được ổn định chính trị, bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại có những bước tiến hết sức quan trọng, hội nhập sâu rộng nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng; giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn đảm bảo, khôi phục nhanh nền kinh tế… Trong các thành công đó có đóng góp của ngành y tế.
Thủ tướng cho biết, phòng chống dịch điểm sáng nổi bật nhất của ngành y tế. Ngành Y tế đã thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các biện pháp y tế để phòng chống dịch; đồng thời chuyển trạng thái theo đuổi không COVID sang thích ứng an toàn, hiệu quản, linh hoạt. "Đây là đóng góp rất quan trọng của ngành Y tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, khi chúng ta chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có hiểu biết chủng Delta, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là trên hết, buộc chúng ta phải áp dụng biện pháp hành chính để chống dịch. Khi buộc phải áp dụng biện pháp này làm cho nền kinh tế nước ta bị đảo lộn, gây hậu quả về kinh tế, tâm lý và các mặt xã hội khác…
Trong giai đoạn đó, ngành Y tế đã triển khai tăng cường y tế cơ sở khi quá tải tuyến trên. Trong 1 tuần phải triển khai kỷ lục 700 trạm y tế lưu động ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Theo thủ tướng, đây là một sự cố gắng của ngành Y tế để người dân được tiếp cận nhanh nhất với các biện pháp y tế. Đồng thời, đánh giá rất cao sự vào cuộc các chuyên gia, nhà khoa học trong phòng chống dịch. Theo thống kê của Bộ Y tế, đã có hơn 25 nghìn các bác sĩ, chuyên gia, sinh viên hỗ trợ, chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các địa phương.
Thủ tướng cũng chỉ rõ khi dịch bùng phát đã bộc lộ điểm yếu là y tế cơ sở và y tế dự phòng. Tuy nhiên, ngành Y tế đã tìm được giải pháp. Điều quan trọng nữa là không bị đổ vỡ hệ thống y tế trên phạm vi cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh tâm dịch vào tháng 8,9 năm ngoái. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát rất mạnh, chúng ta đưa ra được các chiến lược: Chiến lược vaccine; thành lập Quỹ vaccine; thành lập Tổ Ngoại giao vaccine; phát động chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất cho toàn dân. Đồng thời dùng mọi biện pháp, mọi hình thức để đưa được vaccine về nước. Kết quả rất đáng mừng đến hôm nay tỷ lệ bao phủ vaccine ở Việt Nam đạt cao.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đó, còn nhiều yếu kém mà ngành Y tế phải khắc phục, rút kinh nghiệm sâu sắc, đặc biệt là vấn đề quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều sơ hở. Thủ tướng yêu cầu, bên cạnh phòng chống dịch, Bộ Y tế phải luôn luôn nhắc nhở về quản lý nhà nước, đặc biệt là tham nhũng trong ngành y tế. Phải tìm hiểu nguyên nhân chủ quan, khách quan; tăng cường kiểm tra, giám sát và việc này phải khắc phục ngay.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành Y tế phải hoàn thiện thể chế, để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Từ bài học kinh nghiệm thực tiễn vừa qua, ngành Y tế cần sửa đổi, bổ sung nhanh chóng và phải đầu tư nhân lực, vật lực để thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu cần phải khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém của y tế dự phòng và y tế cơ sở. Phải phân công và đưa ra lộ trình, giải pháp để kịp thời thực hiện. Đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế phải nhanh chóng rà soát lại chính sách, chế độ để thu hút nguồn lực y tế trong công tác khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, cần thu hút nguồn lực tư nhân để phát triển ngành y tế. Để làm được điều này, phải thực hiện linh hoạt, các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch phụ trách của các các tỉnh, TP cần có giải pháp để huy động nguồn lực y tế tư nhân.
Thủ tướng chỉ đạo: Bộ Y tế phải cụ thể hóa chương trình phòng chống dịch 2022 và 2023 với mục tiêu bảo vệ người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người tham gia tuyến đầu phòng chống dịch. Không để khủng hoảng, đổ bể hệ thống y tế. Tập trung cho y tế cơ sở và y tế dự phòng, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực ngành y. Phải nắm chắc dự báo tình hình, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt là chủng mới Omicron.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phải thần tốc, thần tốc hơn nữa để bao phủ vaccine cho các đối tượng cần phải tiêm theo nguyên tắc an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả. Bộ Y tế phải bám sát và thúc đầy việc này.
Đề nghị Bộ Y tế chủ động thuốc điều trị COVID-19, công bố các loại thuốc và làm thủ tục nhanh, công khai giá để chống đầu cơ, buôn lậu, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này. Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng xem xét vaccine và thuốc kháng virus sản xuất trong nước trên nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 mùa xuân 2022 từ ngày 1/2 đến ngày 28/2, giao cho Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vaccine xuyên Tết Nguyên đán.
Thủ tướng đề nghị các địa phương phải thực hiện thần tốc tiêm vaccine, nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm chủng đề ra thì Chủ tịch UBND tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân; còn thiếu vaccine là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế.