Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang
Sáng 28/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang nhằm đánh giá tình hình, kết quả phát triển KTXH năm 2022, những tháng đầu năm 2023; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh Hà Giang.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Giang.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, trong thời gian vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Trong năm 2022 đạt và vượt 29/36 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,62% vượt mục tiêu đề ra.
Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình KTXH Tỉnh có nhiều điểm sáng: GRDP quý I tăng trưởng dương (đạt 2,65%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng gần 18,3% so với cùng kỳ. Nông nghiệp tiếp tục khởi sắc. Dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tăng gần 17,2%, tổng lượng khách du lịch tăng 26% so với cùng kỳ.
Công tác lập quy hoạch được triển khai đảm bảo tiến độ. Hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,4%/năm trong giai đoạn 2021-2022.
Quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động hợp tác, giao lưu với các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
UBND tỉnh Hà Giang cũng đã đề xuất 04 kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như kiến nghị về Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang; kiến nghị hỗ trợ 350 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để triển khai các dự án rà phá bom mìn, vật nổ kết hợp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, giải phóng đất đai tạo sinh kế cho nhân dân với diện tích hơn 3.000 ha trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc; kiến nghị Chính phủ bố trí 1.100 tỷ đồng để giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt tại 04 huyện vùng cao núi đá phía Bắc, và kiến nghị Thủ tướng bố trí ngân sách để triển khai đầu tư xây dựng các công trình cấp điện cho Nhân dân trên địa bàn đối với 200 thôn chưa có điện.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Giang, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, trong thời gian tới Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Giang luôn phải ghi nhớ và thực hiện 8 lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khi Người đến thăm Hà Giang, năm 1961 .
Đoàn kết thống nhất, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và chú trọng vận dụng sáng tạo, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Luôn khát khao làm giàu chính đáng, phát triển KTXH nhanh, xanh và bền vững trên cơ sở phát huy mạnh mẽ những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội. Biến tiềm lực thành nguồn lực; biến di sản thành tài sản; Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, từ khung trời, mảnh đất với núi sông hùng vĩ của mình, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại.
Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả, nhất là về kinh tế để tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa. Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn.
Với đường biên giới gần 300km với Trung Quốc, Thủ tướng đề nghị Hà Giang cần chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Bên cạnh đó tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả. Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đào tào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đoàn kết thống nhất trong nội bộ, phối hợp chặt chẽ với trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tiếp tục hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng tiến độ, chất lượng.
Cùng với đó, chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; đồng thời chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số. Thực hiện tốt công tác xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, nhất là cho các ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, có thế mạnh của tỉnh.
Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là chế biến nông sản. Phát triển, quản lý thủy điện gắn với sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Tập trung phát triển nông, lâm nghiệp hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ứng dụng KHCN gắn kết với công nghiệp chế biến, nhất là những nông sản có thế mạnh.
Tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Hà Giang. Thu hút đầu tư và phát triển các sản phẩm du lịch khám phá, sinh thái, nghỉ dưỡng, kết hợp nông nghiệp, chữa bệnh. Đẩy mạnh liên kết với các trung tâm du lịch của quốc gia; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế.
Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư đặc biệt vốn FDI. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 03 CTMTQG; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là xây dựng các trường nội trú, xây dựng trường Đại học đa ngành thí điểm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm ASXH, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh phải gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của 19 dân tộc và con người Hà Giang.
Cùng với đó Thủ tướng yêu cầu, triển khai hiệu quả CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với đồng bào dân tộc.
Giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác thông tin, truyền thông. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, giao lưu khu vực biên giới.
Khắc phục thiếu điện, thiếu nước, thiếu sóng viễn thông; Thủ tướng lưu ý tỉnh phải tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại; huy động từ nguồn lực của tỉnh và vận động nhân dân cùng làm.
Về các kiến nghị của Tỉnh Hà Giang, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.