Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Ấn Độ và tiếp Tổng Thư ký OECD

Thứ Bảy, 20/05/2023, 19:20

Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác nhiều mặt, trong đó ưu tiên thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu.

Nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Hiroshima (Nhật Bản), trưa 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo khẳng định coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời giữa hai nước; trao đổi các biện pháp nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của trao đổi, tiếp xúc cấp cao và hợp tác thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các thành tựu của Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, đặc biệt là kinh tế tăng trưởng ấn tượng, khoa học công nghệ ngày càng vươn lên trình độ cao, vai trò và vị thế của Ấn Độ ngày càng được coi trọng tại khu vực và trên thế giới.

Khẳng định Việt Nam-Ấn Độ chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược tương đồng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác nhiều mặt, trong đó ưu tiên thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu như thương mại-đầu tư, dịch vụ, tài chính-ngân hàng, du lịch, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng cường phối hợp ứng phó với các thách thức chung trong bối cảnh thế giới có nhiều khủng hoảng, bất trắc. 

Thủ tướng Ấn Độ Modi bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính, khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ; cảm ơn Việt Nam đã tham dự Diễn đàn phương Nam để cùng tăng cường vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển; cho rằng quan hệ thương mại song phương thời gian qua phát triển rất tích cực với kim ngạch đạt gần 15 tỷ USD trong năm 2022.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng Modi cho rằng, hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi một số biện pháp, định hướng cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mỗi nước tiếp cận thị trường và đầu tư kinh doanh, khai thác tiềm năng và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy, phát huy các cơ chế tham vấn, đối thoại, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có lợi thế bổ sung cho nhau, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ lập trường quan điểm trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm và tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại Liên hợp quốc cũng như tại các cơ chế do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt và trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Sông Hằng. 

Hai Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, nêu cao luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.

Thủ tướng Modi trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Ấn Độ vào thời gian thuận tiện trong năm nay và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vui vẻ nhận lời.

* Cũng trong ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và OECD, đặc biệt là thành công của Hội nghị Bộ trưởng Chương trình khu vực Đông Nam Á tháng 10/2022 tại Hà Nội; cảm ơn hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách của OECD cho Việt Nam. 

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác, trước mắt chuẩn bị tốt cho Hội nghị Bộ trưởng Chương trình khu vực Đông Nam Á năm 2023; mong OECD tạo điều kiện cho nhiều cán bộ điều phối Việt Nam làm việc tại Ban Thư ký. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam là nước đang phát triển, là nền kinh tế đang chuyển đổi, độ mở kinh tế lớn nên khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, mong OECD hỗ trợ triển khai, thích ứng với các lĩnh vực mới, cần tư duy và cách tiếp cận mới trong tương lai, đặc biệt là vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đối khí hậu, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn… 

Tổng Thư ký OECD chúc mừng thành quả cải cách và chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, cảm ơn những đóng góp tích cực và vai trò chủ chốt của Việt Nam trong chương trình khu vực Đông Nam Á.

Tổng Thư ký bày tỏ ấn tượng trước vai trò quốc tế của Việt Nam với việc được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng như tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD tháng 6/2023 sắp tới. 

Tổng Thư ký OECD cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi, hợp tác với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam phục hồi, phát triển kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm gồm xây dựng chính sách đầu tư thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, kinh tế xanh, tuần hoàn…

Ông Mathias Cormann mong Việt Nam tham gia sáng kiến Diễn đàn các phương pháp giảm carbon (IFCMA) để đóng góp xây dựng cách tiếp cận chuẩn, tổng thể về việc giảm thiểu carbon ở cấp độ toàn cầu.

Theo TTXVN/Vietnam+
.
.
.