Thủ tướng Phạm Minh Chính: Con người, cán bộ quyết định việc vận hành bộ máy hành chính

Thứ Bảy, 05/11/2022, 18:01

Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu và nhiều dự án thua lỗ kéo dài. Trong đó, đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém, kiểm soát đặc biệt 1 ngân hàng thương mại cổ phần.

Chiều 5/11, sau phần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giải trình, làm rõ hơn nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn. Kết thúc phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đã có 19 lượt đại biểu đã chất vấn, còn 16 ý kiến chưa được tham gia phát biểu.

Xử lý nghiêm các ngân hàng yếu kém, các dự án thua lỗ

Trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu trước Quốc hội cho biết, tình hình kinh tế - xã hội nước ta 10 tháng năm 2022 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,89%; Thu ngân sách nhà nước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ; Vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2%; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỉ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỉ USD…

thu tuong.jpg -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội.

Về cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, dự án thua lỗ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu và nhiều dự án thua lỗ kéo dài. Trong đó, đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém, chuyển giao bắt buộc, đang kiểm soát đặc biệt 1 ngân hàng thương mại cổ phần.

Với dự án thua lỗ, đến nay các cơ quan đã có phương án xử lý đối với 5 dự án và đang tích cực xây dựng phương án khả thi, hiệu quả nhất xử lý đối với 7 dự án còn lại và các dự án phát sinh khác. Bên cạnh đó, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1 đã xử lý xong, đưa vào hoạt động. Mỗi dự án này có tổng mức đầu tư trên dưới 2 tỷ USD.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực. Làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế; mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cơ cấu lại, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro, nâng cao năng lực tài chính, quản trị của các ngân hàng yếu kém và các doanh nghiệp, dự án thua lỗ kéo dài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm của thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phát sinh; sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém, có giải pháp bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững; kiểm soát tốt hơn hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Chính phủ cũng sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...

Về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng  Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật…

 Việt Nam không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về một số định hướng đối ngoại thời gian tới trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước có nhiều việc, nhưng có 2 việc lớn là đối nội và đối ngoại. Về định hướng đối ngoại, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Chúng ta đang thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại này trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, với 3 trụ cột chính: Ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa; thu nhiều kết quả quan trọng; ứng xử phù hợp trước nhiều vấn đề phức tạp như xung đột tại Ukraine, thái độ của chúng ta được bạn bè quốc tế chia sẻ.

trí.jpeg -0
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn Thủ tướng.

“Chúng ta không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải, ủng hộ các vấn đề vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, phù hợp quan điểm đối ngoại của chúng ta” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng biểu dương Bộ Ngoại giao đã rất tích cực thực hiện ngoại giao vaccine, huy động được sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế khi chúng ta tiếp cận vaccine còn khó khăn, góp phần thực hiện thành công chiến lược vaccine (gồm 3 cấu phần là Quỹ vaccine, ngoại giao vaccine và chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho toàn dân); nhờ đó, bảo đảm được việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân và tiết kiệm được chi phí.

Dự kiến bố trí 470.000 tỷ đồng cho phát triển giao thông

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết trong quy hoạch phát triển đô thị nước ta, xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, giao thông… đã cập nhật như thế nào các kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và hướng giải quyết ra sao cho một quốc gia đất hẹp, người đông như nước ta? Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có chiến lược, giải pháp nào để thực hiện thành công nhiệm vụ này?

quàng thị nguyệt.jpg -0
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) chất vấn Thủ tướng.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam là một trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên phải nhận thức và hành động tương xứng với những gì biến đổi khí hậu đang tác động đến nước ta, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Do đó, phải đánh giá lại tác động, nhất là tại các khu vực như ĐBSCL, miền Trung, miền núi phía Bắc. Phải xây dựng thể chế như hoàn thiện các quy định về chuyển đổi năng lượng. Đảm bảo các nguồn lực, dành nhiều nguồn lực cho hạ tầng chống biến đổi khí hậu bao gồm sạt lở đê điều, hồ đập…; Bên cạnh huy động nguồn lực Nhà nước phải huy động nguồn lực theo phương thức hợp tác công-tư. Cùng với đó là các giải pháp về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và tăng cường năng lực quản trị quốc gia.

Về chiến lược về phát triển hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng, Thủ tướng Chính phủ cho biết nội dung này đã được các Bộ trưởng và các Phó Thủ tướng đề cập khi trả lời chất vấn. Theo Thủ tướng, hạ tầng chiến lược bao gồm cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, từ hạ tầng về giao thông, hạ tầng về chống biến đổi khí hậu đến hạ tầng về xã hội, y tế, giáo dục... 

Riêng về hạ tầng giao thông, trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã dự kiến bố trí ngân sách đầu tư khoảng 470.000 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Hiện nay, với các giải pháp, cơ chế được Quốc hội cho phép, các cơ quan đang tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng. Cùng với nguồn lực nhà nước, giải pháp rất quan trọng là huy động nguồn lực xã hội bằng hợp tác công-tư, các cơ quan đang tổng kết về nghiên cứu thêm về nội dung này.

Cải cách thể chế lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể

Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về những quan điểm chính, trụ cột trong cải cách thể chế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, cách thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể.

thuý tuyên quang.jpeg -0
Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) chất vấn Thủ tướng.

Các trụ cột cần tập trung là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với quan điểm xuyên suốt lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, mỗi tháng Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề bàn về cách thể chế, bàn về xây dựng pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã xem xét gần 70 luật và đang trình Quốc hội hơn 10 dự án luật.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu về công tác cải cách hành chính, ý thức, thái độ của cán bộ, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là quốc gia đang đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, trong 35 năm đổi mới, đạt được thành tích rất lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình vận hành, trưởng thành lớn lên cùng đất nước, lớn lên cùng sự phát triển chung, chúng ta phải kiên trì hoàn thiện thể chế, dùng rất nhiều biện pháp để đơn giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài…

thủ tướng.jpeg -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu.

Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải rà soát, tổng kết một số nghị quyết của Đảng, với tinh thần chung là chỉ ra kết quả, bất cập để có giải pháp tốt hơn đối với công tác xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, tận tụy phục vụ Nhân dân, với quan điểm của Đảng lấy xây là chiến lược về cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên. 

Động viên, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm nghiêm minh

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) về quan điểm của Chính phủ trong việc nhiều cử tri cho rằng vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên trải thảm, dưới trải đinh và giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi. Trong 35 năm đổi mới đã làm được nhiều việc, đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế và uy tín như ngày nay".

051120220305-pct-mẫn-ùhg.jpeg -0
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn.

Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Thủ tướng cho rằng, quy mô nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu. Trong năm nay, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%, chúng ta có 9,7 triệu tỉ; nếu đạt 7,5%, con số là 9,8 triệu tỉ; đạt 8% là 9,9 triệu tỉ. Tổng GDP của chúng ta gấp 100 lần so với đổi mới.

"Thành tích này có sự đóng góp của cán bộ công chức, viên chức của chúng ta. Trong quá trình vận hành, trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, lớn lên cùng sự phát triển chung, chúng ta phải kiên trì nhưng không trì trệ. Chúng ta phải thực hiện nhiều biện pháp như cải cách thể chế, đơn giản thủ tục hành chính, thu hút người tài" - Thủ tướng nhấn mạnh

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cần phải làm để tạo sự ấm no và hạnh phúc cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, phát huy tối đa trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần yêu nước của mỗi người, trong đó có cán bộ công chức, để hoàn thành nhiệm vụ của mình. "Tổng kết lại một số Nghị quyết của Đảng với tinh thần chung, những gì chưa được thẳng thắn nêu ra, những gì được cần làm tốt hơn để xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, tận tuỵ, phục vụ Nhân dân. Bên cạnh xây thì cần chống, động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm nghiêm minh" -  Thủ tướng nói.

Con người, cán bộ là quyết định việc vận hành bộ máy hành chính

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là vấn đề bộ máy và tinh giảm biên chế. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) đặt câu hỏi về việc chậm ban hành nghị định về cơ cấu, chức năng các bộ, ngành; đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho rằng, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế dẫn đến quá tải trong khối lượng công việc ở cấp xã. Trả lời câu hỏi của các đại biểu Thủ tướng cho biết, Chính phủ phấn đấu trong tháng 11 và đầu tháng 12 hoàn thành các nghị định về cơ cấu, chức năng các bộ, ngành, tinh thần là bám sát Nghị quyết Trung ương, tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

mai thoa.jpeg -0
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) chất vấn Thủ tướng.

"So với thời gian yêu cầu thì chậm, nhưng kết quả dự kiến là sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục, hơn 100 vụ. Đây là kết quả đáng mừng, tuy có chậm nhưng lấy chất lượng, hiệu quả bù lại", Thủ tướng nói và nhấn mạnh "quan trọng nhất là khi có bộ máy rồi thì con người, cán bộ là quyết định việc vận hành".

Về quá tải công việc ở cấp xã, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ "trong tình hình bình thường thì cấp cơ sở đã nhiều công việc, khi không bình thường thì công việc càng nhiều hơn" với ví dụ cụ thể trong thời gian chống dịch COVID-19. Theo Thủ tướng, hiện chúng ta thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng cán bộ nhưng phải sát với tình hình thực tế.

“Chúng ta có chính sách thiết kế cho cả hệ thống. Chính sách này áp dụng chung thì được còn ở đặc thù thì chưa được. Do vậy, cần xem xét đặc thù ở xã, ở nông thôn và thành thị từ đó dung hòa bộ máy, con người, nguồn lực và cơ sở vật chất” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Phương Thuỷ
.
.
.