Thủ tướng khảo sát thực tế tình hình sạt lở tại 4 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Bảy, 12/08/2023, 16:28

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo 4 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã di chuyển bằng máy bay trực thăng trực tiếp khảo sát tình hình sạt lở tại 4 địa phương là Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp.

Thủ tướng khảo sát thực tế tình hình sạt lở tại 4 tỉnh ĐBSCL -0
Thủ tướng khảo sát thực tế tình hình sạt lở tại 4 tỉnh ĐBSCL -1
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tình hình sạt lở ven biển các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trước tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiệm trọng tại nhiều địa phương, trong chương trình công tác tại ĐBSCL, sáng 12/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp tiếp tục di chuyển bằng máy bay trực thăng khảo sát từ trên cao và hạ cánh khảo sát thực địa về tình hình sạt lở bờ biển Khu vực khu vực Đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; sau đó bay khảo sát Kè chống sạt lở khu vực dân cư vành đai nam Đông Hồ, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, và bay đến tại thành phố Châu Đốc tỉnh An Giang để khảo sát tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu.

Thủ tướng khảo sát thực tế tình hình sạt lở tại 4 tỉnh ĐBSCL -0
Tuyến kẻ bảo vệ khu dân cư tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

ĐBSCL là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông, nước dâng do bão lũ và các rủi ro liên quan đến khí hậu khác… ĐBSCL đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như: Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo một số nghiên cứu cho rằng, nước biển dâng 0,35 cm/năm và ĐBSCL được đánh giá là 1 trong 5 đồng bằng bị tác động mạnh nhất. Tác động từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn Mê Công (đập thủy điện, dự án chuyển nước) dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ tại một số thời điểm, đặc biệt là suy giảm mạnh phù sa về ĐBSCL.

Thủ tướng khảo sát thực tế tình hình sạt lở tại 4 tỉnh ĐBSCL -0
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Về tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất ở ĐBSCL, theo số liệu đo đạc của Bộ TNMT trong 10 năm (2012-2022), tốc độ sụt lún đất trung bình ở ĐBSCL khoảng 0,96 cm/năm, nhanh hơn gấp 3 lần so với nước biển dâng (khoảng 0,35 cm/năm), đặc biệt tại một khu vực ven biển nguyên nhân do khai thác nước ngầm quá mức, chất tải xây dựng,…. Như vậy, tốc độ sụt lún đất cao gấp 3-4 lần, có nơi tới 10 lần so với tốc độ nước biển dâng, cho thấy ĐBSCL có nguy cơ chìm dần do cả sụt lún đất và nước biển dâng;

Vấn đề xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, tình trạng ngập úng khi triều cường xảy ra ở nhiều đô thị. Đặc biệt, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất rừng ngập mặn ven biển diễn ra nghiêm trọng.

Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh có đường bờ biển dài khoảng 200km, những năm qua, tình hình sạt lở, xâm thực của biển có mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, tỉnh có 84km bờ biển bị sạt lở, làm mất nhiều ha rừng phòng hộ, đê biển.

Còn tại tỉnh An Giang, 8 tháng đầu năm đã xảy ra 70 vụ sạt lở, sụp lún đất bờ sông, kênh rạch, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, làm ảnh hưởng đến 95 căn nhà và nhiều tài sản của nhân dân.

Thủ tướng khảo sát thực tế tình hình sạt lở tại 4 tỉnh ĐBSCL -1
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhân dân khu dân cư ven biển tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại cuộc kiểm tra, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại mà các địa phương và nhân dân vùng sạt lở phải trải qua, đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động di dời người dân ra khu vực nguy hiểm, hỗ trợ họ ổn định cuộc sống.

Thủ tướng cũng đã đi thị sát khu vực sông Hậu có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn tỉnh An Giang, đến kiểm tra tiến độ thi công dự án kè chống sạt lở. Thủ tướng đề nghị địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thực sự cấp bách, ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản người dân, lập dự án cụ thể, nghiên cứu, cân đối, bố trí nguồn lực và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chia sẻ với Thủ tướng, bà con nhân dân tại khu vực bị sạt lở bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi thấy các dự án chống sạt lở đang được triển khai, giúp ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn. Thủ tướng đề nghị bà con tiếp tục ủng hộ chính quyền địa phương trong triển khai các dự án.

Thủ tướng cũng đã đến thị sát dự án Cầu Châu Đốc bắc ngang sông Hậu. Đây là dự án giao thông quan trọng, góp phần kết nối liên vùng theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam Bộ, nằm trên trục hành lang biên giới Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang. Dự án đang vượt tiến độ và dự kiến sẽ hoàn thành giữa năm 2024 thay vì cuối năm như kế hoạch ban đầu.

Theo VOV
.
.
.