Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp New Zealand đầu tư tại Việt Nam trên nguyên tắc “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức New Zealand, trưa 11/3 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – New Zealand. Diễn đàn do Hội đồng Asean – New Zealand.
Tại diễn đàn, Thị trưởng Wellington Tory Whanau cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đến thăm nước này và tham dự sự kiện, coi đây là niềm vinh dự cho Wellington; nhấn mạnh tầm quan trọng quan hệ hai nước, Wellington chú trọng ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị thông minh, thúc đẩy hợp tác với Hà Nội, hy vọng từ đó hỗ trợ lẫn nhau nói chung, thúc đẩy doanh nghiệp nói riêng phát triển.
Trong không khí cởi mở, nhiều đại diện của các tập đoàn, doanh nghiệp đã đặt câu hỏi về các lĩnh vực, ngành nghề họ quan tâm và có nhu cầu hợp tác đầu tư ở Việt Nam nhưng vẫn còn có những băn khoăn về cơ chế, chính sách, chế độ ưu đãi đầu tư. Đơn cử, các doanh nghiệp về công nghệ muốn đầu tư về công nghệ số, mong muốn được hợp tác đầu tư về công nghệ tại Việt Nam vì theo họ “Việt Nam có những nhân tài về công nghệ”. Họ cũng muốn có cơ hội hợp tác với Công ty FPT của Việt Nam vì “chúng tôi có thể tương trợ, bổ trợ cho nhau” từ đó tạo ra những sản phẩm công nghệ phân phối trên thị trường thế giới.
Một số doanh nghiệp nêu vấn đề về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực y tế, dinh dưỡng, trong đó có câu hỏi: Việt Nam có chính sách nào để hỗ trợ hợp tác đầu tư việc đào tạo người Việt Nam chăm sóc sức khoẻ người lớn tuổi ở New Zealand? Một số doanh nghiệp đề xuất được thông tin về chính sách của Việt Nam trong hợp tác về giáo dục đào tạo, xây dựng các dự án liên quan đến năng lượng; cơ sở hạ tầng; ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm phát thải cac bon khi vận chuyển kiwi từ New Zealand đến Việt Nam; sử dụng ánh sáng phát triển cây trồng; vấn đề thu hồi lợi nhuận của các công ty ở nước ngoài tại Việt Nam…
Theo sự chỉ đạo và phân công của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trả lời về nhóm các câu hỏi liên quan đến y tế. Đó là việc cung cấp nguồn đào tạo về điều dưỡng, trong đó có điều dưỡng cho người lớn tuổi để đưa đi các nước làm việc; về nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là sữa, đây cũng là vấn đề mà Việt Nam quan tâm. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời những câu hỏi về lĩnh vực giáo dục đào tạo về công nghệ từ cấp phổ thông đến giáo dục đại học, việc đưa các nhà khoa học sang các nước học tập về khoa học công nghệ, trong đó có New Zealand.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ về việc xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam, vừa đảm bảo cho người dân vừa xuất khẩu ra thế giới, hoan nghênh ý tưởng rất hay của doanh nghiệp trong việc tác động ánh sáng vào ngành hàng cây lúa. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói về các lĩnh vực hai nước có thể hợp tác như phát triển điện gió; thu gom, sử dụng cacbon…, trước hết là tư vấn chính sách để hợp tác phát triển về năng lượng sạch, hợp tác về đào tạo lao động cho lĩnh vực năng lượng và chuyển dịch năng lượng; đưa ra các giải pháp giảm phát thải khi vận chuyển các nông sản, trong đó có kiwi.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khái quát việc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam, cho biết về 8 ngành chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo mà các doanh nghiệp của New Zealand có thể hợp tác. Ngoài ra, ông giải thích thêm các chính sách khuyến khích hợp tác về xây dựng hạ tầng, vấn đề về biến đổi khí hậu và thu hồi lợi nhuận của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng cảm ơn Thị trưởng Wellington Tory Whanau và các doanh nghiệp đã tham dự diễn đàn và có những ý kiến cởi mở về vấn đề phát triển hợp tác đầu tư giữa hai nước. Sau khi các Bộ trưởng giải đáp, trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ thêm các nội dung, trả lời các vấn đề mà các cơ quan, doanh nghiệp New Zealand quan tâm.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong gần 50 năm, quan hệ Việt Nam – New Zealand đã đạt những bước phát triển tích cực trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, dư địa hợp tác còn rất lớn. Do đó, tại hội đàm với Thủ tướng New Zealand, hai bên đã thảo luận, nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực.
Trong đó, hai bên tiếp tục củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương; tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột hợp tác quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, gồm kinh tế-thương mại-đầu tư, an ninh quốc phòng, nông nghiệp và giao lưu nhân dân; tăng tốc và bứt phá trong hợp tác các ngành mới nổi như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, đào tạo…
Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; hiện nay đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược, nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế. Do đó, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa hai bên còn rất nhiều dư địa.
Nhận định cản trở, khó khăn lớn nhất trong hợp tác giữa hai nước là khoảng cách về địa lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để khắc phục, thời gian tới, hai bên nghiên cứu mở lại đường bay thẳng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giao thương; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và các phương thức kết nối trực tuyến…
Thủ tướng đề nghị Chính phủ, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp của New Zealand đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư; mở cửa thị trường để tận dụng tối đa các hiệp định thương mại song phương, các khuôn khổ hợp tác, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP, AANZFTA, Khuôn khổ IPEF… mà hai bên cùng tham gia; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của nhau vào thị trường mỗi bên; xem xét gỡ bỏ những rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là đối với nông sản, thủy sản.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ và các cơ chế đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước; thúc đẩy đối thoại, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hội đồng Kinh doanh ASEAN – New Zealand phát huy hơn nữa vai trò là cánh tay nối dài giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Cho biết, chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp New Zealand hợp tác đầu tư với Việt Nam bằng các chương trình, dự án cụ thể trong các lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ô tô điện, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới, như hydrogen, năng lượng tái tạo, khoáng sản thiết yếu, xây dựng trung tâm tài chính, tài chính xanh, công nghệ sinh học, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng 15.000 người, trong đó nhiều người hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Do đó, Thủ tướng đề nghị phía New Zealand tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh hiệu quả tại New Zealand, qua đó tham gia sâu rộng và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng, đột phá trong quan hệ hai nước, là động lực giúp hai nước cùng vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển, để mỗi nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng hạnh phục, ấm no.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Bộ trưởng đã nghe ý kiến của các doanh nghiệp trong diễn đàn, sau khi về nước có nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước theo tinh thần của Thoả thuận chung Việt Nam – New Zealand chiều nay sẽ công bố
Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp New Zealand đến đầu tư tại Việt Nam trên nguyên tắc “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”. Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp New Zealand đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam.