Thủ tướng giao 11 nhiệm vụ để tháo gỡ hàng loạt khó khăn, tồn tại đang “nóng” của ngành Y

Chủ Nhật, 21/08/2022, 10:10

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, nhằm sớm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bất cập, trước hết là những tồn tại đang "nóng" của ngành Y.

Sáng 21/8, tại trụ sở Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”. Hội nghị kết nối với 63 điểm cầu trên cả nước.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành trung ương...

Sớm tháo gỡ những khó khăn, tồn tại “nóng” của ngành y tế -0
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Trần Minh)

14 vấn đề tồn tại, hạn chế

Phát biểu khai mạc, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo một số thành tựu chủ yếu trong công tác y tế; những tồn tại, hạn chế và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Theo bà Đào Hồng Lan, về cơ bản, ngành Y tế đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường hồi phục sau hơn 2 năm phòng chống dịch COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượt khám bệnh ngoại trú, điều trị nội trú bảo hiểm y tế (BHYT) đều tăng cao. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020, sớm hơn 4 năm).

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong giai đoạn 2000-2021: Tỷ suất tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần.

Tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình thế giới và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. 

Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (sởi, sốt xuất huyết, SARS, cúm A,…).

Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu, làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm từ 1/2- 1/3…

Bộ Y tế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến như: Mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh; liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới…

Bà Lan cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác y tế còn 14 vấn đề tồn tại, bất cập và hạn chế như: Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối.

Hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Tình trạng công bố và khi sản xuất thực tế các sản phẩm thực phẩm có sự khác biệt dẫn đến nguy cơ gây ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng; quảng cáo sai sự thật về thực phẩm, đặc biệt quảng cáo trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tiếp tục gia tăng. Tình trạng chênh lệch các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng giữa các vùng chưa được cải thiện…

Sớm tháo gỡ những khó khăn “nóng” của ngành y tế -0
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nhật Bắc)

"Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Đổi mới phương thức chi trả theo nhóm chẩn đoán, theo định suất chậm được thực hiện", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ ra các nguyên nhân tồn tại và đề xuất, kiến nghị những giải pháp để tháo gỡ hàng loạt khó khăn nêu trên.

Đánh giá lại để tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

Báo cáo tại hội nghị, các địa phương nêu đề xuất nhiều giải pháp trong thời gian tới để làm tốt công tác y tế, bảo đảm chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Trong đó, đại diện TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương kiến nghị Bộ Y tế sớm nghiên cứu điều chỉnh hành lang pháp lý về công tác đấu thầu, mua sắm để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; có thêm chính sách cải thiện tiền lương cho bác sĩ, nhân viên y tế để khắc phục tình trạng viên chức y tế nghỉ việc, bỏ việc...

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị chưa thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở y tế có hoạt động khám chữa bệnh BHYT; kiến nghị Bộ Y tế có quy định cụ thể về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở y tế công lập, nhất là bệnh viện tự chủ; đồng thời thống nhất với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam về thanh toán giá dịch vụ gây tê, gây mê ở các bệnh viện…

Sớm tháo gỡ những khó khăn “nóng” của ngành y tế -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến tại Bộ Y tế sáng 21/8. (Ảnh: Trần Minh)

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Hội nghị phải giải quyết được 2 nút thắt. Thứ nhất là nguồn nhân lực, cần phải đánh giá nguyên nhân từ đâu khi nhiều cán bộ y tế nghỉ việc sang bệnh viện tư, do lương thấp hay do chế độ làm việc, môi trường làm việc để có giải pháp sát với thực tiễn. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế chỉ đạo.

Thứ hai là đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại.

Theo Nghị quyết 33, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ toàn diện bệnh viện. Hai bệnh viện này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần? Đây là 2 bệnh viện “xương sống” của bệnh viện công, của ngành y tế, nếu để các bác sĩ đi sang hệ thống tư nhân thì sẽ thất bại, trong khi một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế.

“Vì vậy, Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ nhân dân. Đây là vấn đề Bộ Y tế cần phải khẳng định sớm, nếu muộn thì sẽ phải mất 3 năm nữa mới làm được, vì hiện nay Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023, tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội. Khi đó, nếu vấn đề này không nằm trong dự toán ngân sách thì phải đến năm 2026 mới có thể bàn lại vấn đề này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Liên quan vấn đề khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc, thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, đầu tiên phải sửa Nghị định 98, Thông tư 14 của Bộ Y tế liên quan trang thiết bị và Thông tư 15 của Bộ Y tế liên quan đến thuốc. Nếu Bộ Y tế không làm được thì các cơ sở y tế không bao giờ có đủ trang thiết bị, vật tư y tế tối thiểu phục vụ người dân.

“Tôi đề nghị Bộ Y tế và các cơ sở y tế, địa phương rà soát lại lần nữa, gửi về Bộ Tài chính để chúng tôi tiếp thu và đưa vào sửa đổi Thông tư 58. Thông tư 58 là hướng dẫn chung, chúng tôi sẽ sửa Thông tư này sớm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Y tế làm rõ các nguyên nhân trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế. Thứ nhất là vướng ở hai Nghị định: Nghị định 98 năm 2021 và Nghị định 54 năm 2017. Chính phủ đã có dự thảo Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc.

Cùng với đó, đề nghị sớm sửa đổi những thông tư liên quan, ví dụ như một số quy định tại Thông tư 14 của Bộ Y tế. Ngoài ra, trình gia hạn đăng ký lưu hành thuốc rất phức tạp. Bộ Y tế nghiên cứu hai giải pháp bao gồm ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, xem xét kiến nghị Quốc hội tiếp tục cho cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 30. Nhưng về lâu dài, cần đánh giá tác động của cơ chế này, từ đó xây dựng cơ chế đáp ứng sự nhanh chóng, kịp thời đối với sản phẩm đã được các quốc gia có nền y học tiên tiến công nhận. Điều này sẽ giảm tải cho các cơ quan Nhà nước, để tập trung vào xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu, trung bình chi phí khám chữa bệnh những năm trước đây có 70% liên quan đến thuốc, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Mấy năm gần đây rút xuống còn khoảng 60%, trong đó máy móc phải là tốt nhất, thuốc tốt, thiết bị, vật tư đạt chất lượng cao. Riêng về thuốc, có tới hơn 90% là nhập từ bên ngoài. Mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam tính trung bình một người (người dân, người nghèo, người mua bảo hiểm theo hộ) là 1 triệu VNĐ/người/năm, không bằng 1/10-1/30 của các nước phát triển.

"Muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành y nói chung, cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhiên viên y tế thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Nhưng muốn tính đúng, tính đủ thì chỉ có cách là người dân đóng góp, mua bảo hiểm y tế hoặc lấy ngân sách bù vào. Tuy nhiên, người dân thì nghèo, ngân sách thì khó", Phó Thủ tướng nói.

Sớm tháo gỡ những khó khăn, tồn tại “nóng” của ngành y tế -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nhật Bắc)

Về lâu dài, theo Phó Thủ tướng, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ, có thể mức chưa được như các nước khác nhưng không thể như bây giờ. "Phải tăng đầu tư ngân sách. Hiện nay, cứ 100 đồng tiền mua BHYT thì có 60 đồng của người dân và 40 đồng của ngân sách nhà nước, cần phải tăng mức này. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến nhất mà giá lại như nước nghèo nhất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

11 nhiệm vụ Thủ tướng giao cho Bộ Y tế

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng những thành tựu, kết quả mà ngành y tế đạt được trong thời gian qua. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thời gian qua, cán bộ, nhân viên y tế trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cảm xúc, tâm tư… Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ, đồng thời quyết tâm cùng ngành y tế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Khẳng định những đóng góp của lực lượng y tế trong suốt hơn 2 năm chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng cam go, vất vả, những hy sinh, mất mát trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. Đảng, Nhà nước và nhân dân không bao giờ quên những vất vả, hy sinh và sự cống hiến thầm lặng, hết mình, không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong phòng chống dịch, được cả xã hội trân trọng".

Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, bất cập của ngành Y tế. Đồng thời, Thủ tướng lưu ý 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho Bộ Y tế trong thời gian tới.  

Thứ nhất, ngành Y tế tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vaccine, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

Thứ hai, Bộ Y tế, trực tiếp là đồng chí Quyền Bộ trưởng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế và tổ chức đảng toàn ngành Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên. Đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục quan tâm kiện toàn lãnh đạo Bộ và lãnh đạo y tế các cấp. Khuyến khích, bảo vệ và phát huy vai trò của những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, 

Thứ ba, khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Trước mắt, tập trung sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XII vào cuối năm 2022.

Bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách chưa đề cập hoặc đã có nhưng chưa theo kịp thực tiễn để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Phải mạnh dạn làm, cần thì thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp dưới và các cơ sở y tế, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Bộ Y tế tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nghiên cứu nhanh, từng bước giao một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cho địa phương quản lý.

Thứ tư, quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sỹ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ.

Thứ năm, quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Bộ Y tế cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Các địa phương phải chỉ ra các vướng mắc cơ chế qua thực hiện trong thực tiễn, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý.

Thứ sáu, khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.

Sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ BHYT gắn với giảm chi tiền túi của người dân.

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Thứ tám, trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nòng cốt là ngành Y tế nhưng đây cũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế…; đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế.

Thứ chín, đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. 

Thứ mười, tận dụng lợi thế của nước ta về dược liệu, tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vaccine trong nước.

Mười một, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, tham khảo các kinh nghiệm, quản lý, nhất là chuyển đổi số, phát triển công nghiệp dược…

Nhiều kiến nghị tại hội nghị xác đáng, xuất phát từ thực tiễn, hết sức trách nhiệm, đề nghị Bộ Y tế tổng hợp, phân loại, nghiên cứu giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trần Hằng
.
.
.