Thủ tướng dự buổi làm việc giữa hai Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban KT-XH
Sáng 21/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng dự buổi làm việc giữa Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.
Buổi làm việc để trao đổi về một số vấn đề lớn, quan trọng dự kiến được thể hiện trong Báo cáo Chính trị và Báo cáo Kinh tế - Xã hội nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa hai Báo cáo theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm, Báo cáo Kinh tế - Xã hội là báo cáo chuyên đề.
Các Tổ Biên tập được thành lập để giúp việc các Tiểu ban trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đồng chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng, chúng ta cần xây dựng đường lối “đúng, trúng”, phù hợp, khả thi, không đi ngược xu thế, dòng chảy của thời đại; phát huy tối đa nguồn lực đất nước; cần có bộ máy, đội ngũ cán bộ nhận thức được đường lối của Đảng để cụ thể hóa; tổ chức thực hiện tốt đường lối, phải linh hoạt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Từ đó, chúng ta đưa ra các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, cách tổ chức thực hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh về Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội; đồng thời nêu rõ xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên; đi đôi với tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, ngoại lệ.
Đối với kinh tế-xã hội, Thủ tướng yêu cầu hai Tổ Biên tập cần phân tích kỹ bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử; cạnh tranh giữa các nước lớn; xung đột tại một số khu vực… Thủ tướng nhận định, trong bối cảnh đó, mục tiêu của Việt Nam là cơ bản đạt được: kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường lao động đáp ứng được… Theo Thủ tướng, trong khi thế giới đang tăng trưởng thấp, trong bối cảnh đó, mức tăng trưởng của Việt Nam là đáng tự hào, trân trọng. Trong Báo cáo, cần lựa chọn mục tiêu nào tốt nhất, tạo khí thế, niềm tin, động lực mới, thắng lợi mới. Về các mục tiêu lớn khác như phát triển đường cao tốc, Thủ tướng tin tưởng sẽ đạt được.
Xuyên suốt là chúng ta bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên, tiến bộ công bằng, bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề xuyên suốt trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển; tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết vấn đề thực tiễn; phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, từ đó vận dụng đường lối sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ, khi tình hình thế giới thay đổi, thì cách tiếp cận của Việt Nam đi lên từ nội lực là chính. Việt Nam xác định lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.
Về nguồn lực, chúng ta phải huy động nguồn lực từ hợp tác công tư, thực hiện 3 đột phá chiến lược để huy động nguồn lực. Thể chế cũng là nguồn lực, động lực, mục tiêu cho sự phát triển; tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, giám sát; nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Hiệu quả là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta ngày càng trưởng thành cả về lý luận, tổ chức thực hiện, tầm nhìn, cách tiếp cận và tư duy xử lý các vấn đề trong nước và quốc tế hiện nay; ngày càng bản lĩnh để vượt qua các khó khăn; tăng cường đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu trên nền tảng tổng kết này, chúng ta bổ sung, hoàn thiện những điểm cơ bản của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn sắp tới, đến năm 2030 là dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: tập trung vào mục tiêu kinh tế, kịch bản, nhiệm vụ, giải pháp và cơ sở để đạt mục tiêu.
Thủ tướng yêu cầu mục tiêu đặt ra để vừa thực hiện tăng tiềm lực đất nước, cũng là để chúng ta phấn đấu, nỗ lực; tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, tập trung vào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; chú trọng nguồn nhân lực.
Về giải pháp, chúng ta cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng cũ, thực hiện quyết liệt các động lực tăng trưởng mới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, đi vào các ngành mới nổi.
Cách huy động nguồn lực vẫn là phải tháo gỡ thể chế để huy động nguồn lực trong xã hội và nhân dân. Phải tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng cho biết đang thành lập tổ công tác để nghiên cứu, đề xuất ban hành 1 luật sửa nhiều luật, đề xuất ban hành một Nghị quyết để sửa các quy định…
Tại buổi làm việc, hai Thường trực Tổ Biên tập đã trao đổi một số nội dung quan trọng, nổi bật của hai dự thảo Báo cáo, tập trung vào các vấn đề về đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, các quan điểm, mục tiêu phát triển và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho giai đoạn 5 năm 2026-2030.
Trong quá trình xây dựng Báo cáo Chính trị, Báo cáo Kinh tế - Xã hội, hai Tổ Biên tập sẽ tiếp tục có những buổi tọa đàm, trao đổi về những nội dung cụ thể để bảo đảm thống nhất nội dung giữa hai Báo cáo theo yêu cầu của Trung ương.