Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngoại giao vaccine
Từ một nước có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam đã xoay chuyển tình thế, đạt kỳ tích “đi sau về trước” trong triển khai Chiến lược vaccine.
Chiều 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngoại giao vaccine - Những bài học kinh nghiệm để thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sử Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Y tế; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; các thành viên Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng khẳng định, vaccine là yếu tố quyết định để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và vaccine trên thế giới rất khan hiếm, việc tiếp cận vaccine là vấn đề cấp bách toàn cầu. Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược vaccine với ba mũi nhọn: quỹ vaccine, ngoại giao vaccine và tổ chức chiến dịch tiêm chủng.
Với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, chúng ta đã có những quyết định, hành động kịp thời, quyết liệt và chưa có tiền lệ. Để có được vaccine sớm nhất, nhiều nhất, chúng ta đã thực hiện đồng bộ các biện pháp ngoại giao vaccine và bằng mọi hình thức như gặp gỡ, điện đàm, gửi thư, chuyển thông điệp…; tiếp cận từ mọi góc độ, từ song phương đến đa phương, từ cấp Chính phủ đến các tổ chức quốc tế, các tập đoàn sản xuất vaccine…; áp dụng mọi biện pháp, từ viện trợ, đến mua lại, mua trước, vay trước, ứng trước…
Các cấp lãnh đạo Việt Nam đã tích cực “chắt chiu” từng cơ hội, vận động mua, xin chuyển nhượng và giao đúng hạn từng liều vaccine giúp đất nước thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong khi nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cách đây hơn 1 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 với biện pháp chuyên môn, cụ thể là vaccine. Việc chuyển hướng đó cho đến nay được chứng minh là đúng đắn, kịp thời. Từ việc tăng trưởng âm trong quý III/2021, sau đó, kinh tế tăng trưởng mạnh, kiểm soát an toàn dịch bệnh.
Thủ tướng chỉ rõ, có được Nghị quyết 128 là do trước đó, chúng ta đã đưa ra Chiến lược vaccine, gồm 3 nội hàm: thành lập Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19; tiến hành ngoại giao vaccine và lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine với nòng cốt là Bộ Ngoại giao; tiến hành Chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí lớn nhất từ trước tới nay.
Kết quả là chuyển biện pháp phòng, chống dịch từ biện pháp hành chính sang biện pháp khoa học, chuyên môn, “đúng và trúng”, tuy lúc đó chưa có đủ nguồn vaccine nhưng qua đây, chúng ta thấy công tác ngoại giao phục vụ đường lối phát triển kinh tế-xã hội là hết sức quan trọng, đó là nhờ chúng ta biết tận dụng các công cụ để thực hiện.
Thủ tướng cho biết, hôm nay tổng kết công tác ngoại giao vaccine để cùng nhìn lại những việc đã làm được, cũng như chưa làm được thời gian qua, xác định rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm quý để không chỉ áp dụng cho công tác ngoại giao vaccine mà tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao kinh tế phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững hiện nay.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, ngày 24/2/2021, lô vaccine đầu tiên với 117,6 nghìn liều về Việt Nam và ở thời điểm đợt dịch thứ tư bùng phát, ngày 27/4/2021, mới có 320 nghìn liều vaccine được tiêm; nhưng sau nhiều nỗ lực đàm phán, ngoại giao, chúng ta đã liên tiếp nhận được các lô vaccine để đến giữa tháng 10/2021, đã tiếp nhận 97,5 triệu liều. Với tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine tăng nhanh, nên ngay từ tháng 10/2021, nước ta đã chủ động chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Đến tháng 3/2022, Việt Nam đã có khoảng 220 triệu liều vaccine; trong đó, chiếm đến gần 50% trong tổng số vaccine mà Việt Nam nhận được là từ sự trợ giúp của COVAX và trên 30 nước cung cấp cho Việt Nam qua COVAX và qua kênh song phương, dưới nhiều hình thức đa dạng.
Từ một nước có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam đã xoay chuyển tình thế, đạt kỳ tích “đi sau về trước” trong triển khai Chiến lược vaccine: Đến hết năm 2021, Việt Nam đã đạt trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu WHO khuyến cáo; tháng 3/2022, Việt Nam trở thành một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.
Thành công của Chiến lược vaccine ở Việt Nam đã được nhân dân ghi nhận, cộng đồng quốc tế khâm phục và đánh giá cao. Trong đó, công tác ngoại giao vaccine thực sự là một chiến dịch ngoại giao đặc biệt, chưa có tiền lệ, vừa cấp bách, vừa lâu dài, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của hàng triệu đồng bào; một chiến dịch nhiều khó khăn, vất vả nhưng rất thành công, góp phần làm giảm những mất mát, đau thương, đồng thời tạo nền tảng quan trọng để chúng ta kiểm soát dịch bệnh, chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.