Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân: Thể chế, chính sách vẫn là điểm nghẽn cần phải đột phá
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp: “Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới” đồng thời nhấn mạnh, thể chế, chính sách vẫn là điểm nghẽn cần phải đột phá.
Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp thực tế
Sáng 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ và các điểm cầu ở trụ sở UBND 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương với 4.500 đại biểu.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, thông qua các kênh khác nhau, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận được gần 3.000 ý kiến, kiến nghị; trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề chính: Nhà nước cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; cần sớm ban hành giải pháp, chính sách đồng bộ nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024; nghiên cứu ban hành các giải pháp, chính sách nhằm sớm phát huy hiệu quả chương trình xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung; ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; ban hành các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Phát biểu định hướng, chỉ đạo Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 20224, Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh ngành nông nghiệp đạt được những thành công rất đáng tự hào khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD, trong khi năm ngoái Chính phủ chỉ giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp 55 tỷ USD. Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần tương tác, chia sẻ, tìm ra giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong năm 2025.
Tại hội nghị, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nêu kiến nghị: Hiện nay mức đầu tư cho nông nghiệp còn rất hạn chế, Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn tới lên gấp 2 lần giai đoạn 2020-2024. Mức đầu tư này nên ưu tiên phát triển công nghệ trong sản xuất hiện đại và đảm bảo môi trường xanh để phát triển bền vững.
Trả lời ông Hoàng Trọng Thủy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đầu tư cho nông nghiệp đúng là chưa nhiều bởi nguồn lực của chúng ta có hạn. Nhà nước cũng cần đầu tư cho các mục tiêu trọng điểm khác nên chúng ta phải tự cân đối sao cho phù hợp. Và nguyên tắc cân đối là lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phát triển. Muốn làm được điều này, chúng ta phải sửa Luật hợp tác công tư để huy động nguồn lực của xã hội và người dân, từ đó có được mức đầu tư lớn hơn. Việc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, chúng ta đã và đang phấn đấu thực hiện theo đúng cam kết, lộ trình giảm phát thải của Việt Nam.
Gửi tới Thủ tướng những băn khoăn, bà Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 nêu: Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp. Nhưng nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp với thực tế. Sau thiên tai, nông dân nhận thấy, bảo hiểm nông nghiệp là hết sức cần thiết, nhất là đối với những hộ sản xuất lớn. Tuy nhiên, hiện việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay: Khi chúng ta chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì phải quan tâm tới hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó phải bao gồm nông nghiệp hóa nông thôn, nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp cần các ngành khác và ngược lại.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có nhiều việc phải làm như phải tích tụ đất đai đủ lớn, khoa học công nghệ như thế nào để giúp bà con nâng cao năng suất lao động. Hay về cơ chế chính sách, giờ chuyển đổi sang sản xuất xanh thì cần giúp đỡ về vốn, thị trường. Trong thời gian qua, chúng ta thấy chính sách hỗ trợ nông dân đã đủ mạnh chưa, chưa đủ thì bà con phản hồi lại xem chính sách đi vào thực tế chưa? Đối với bảo hiểm nông nghiệp, sau bão chúng ta mới thấy bảo hiểm nông nghiệp rất quan trọng, Thủ tướng lưu ý các bộ ngành cần phải nghiên cứu để đưa ra chính sách bảo hiểm nông nghiệp đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống, thực tế giúp nông dân.
Giải phóng nguồn lực, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai
Trả lời câu hỏi của các nông dân khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp thì điều đầu tiên phải xây dựng và lan tỏa thương hiệu nông sản. Theo Thủ tướng, thương hiệu có vai trò rất quan trọng. Thủ tướng lấy ví dụ, khi nhắc tới cà phê là người ra nghĩa ngay đến Brazil, trong khi giá cao gấp đôi so với cà phê của Việt Nam.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để có thương hiệu thì song song phải đầu tư chế biến sâu. Khi sản xuất thì điều đầu tiên thì chúng ta phải nắm được thị trường đang cần sản phẩm gì chứ không phải sản phẩm chúng ta đang có. Để thực hiện điều này, Nhà nước và doanh nghiệp phải có trách nhiệm người nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và nông dân cũng phải thay đổi tư duy.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp: “Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới”. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thể chế, chính sách vẫn là điểm nghẽn và cần phải đột phá.
"Chúng ta phải tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai. Tiếp đó là vốn và bảo hiểm. Muốn làm giàu thì phải có vốn, muốn thúc đẩy nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, phát triển các ngành chủ lực theo quy hoạch, phát triển các mặt hàng mà thế giới có nhu cầu thì phải có chính sách tín dụng và bảo hiểm theo nguyên tắc đóng – hưởng để khuyến khích", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý, đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị. Chuyển đổi lao động bền vững là chuyển đổi ngay tại chỗ, công nghiệp hóa nông thôn, ly nông mà không ly hương.
Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang tập trung thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Theo đó, xây dựng thể chế thông thoáng, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm cơ chế xin cho, giảm phiền hà, sách nhiễu, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; xây dựng hạ tầng chiến lược (về giao thông, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục và thể thao…) để giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, giảm thời gian, chi phí, công sức cho người dân và doanh nghiệp; đào tạo nhân lực và chuyển dịch lao động, nâng cao tay nghề, tri thức, trình độ kỹ năng của người nông dân.