Thủ tướng: Cải cách hành chính không phải là "nói xong để đó"

Thứ Tư, 09/03/2022, 10:46

Sáng 9/3, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính Phủ họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Trưởng Ban chỉ đạo để đánh giá tình hình thực hiện công tác năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phiên họp này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta coi cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đột phá chiến lược; xác định rõ việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ -0
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Cho nên chúng ta phải triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng đại như tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kiện toàn bộ máy Chính phủ và vẫn phải giải quyết nhiều công việc lớn, đột xuất, bất ngờ là chống dịch COVID-19, nhưng chúng ta vẫn hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 một cách toàn diện, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng khẳng định, trong thành quả chung đó có sự đóng góp quan trọng của công tác cải cách hành chính, nhất là công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, vừa làm vừa hoàn thiện, để bảo đảm công tác tốt hơn. 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều việc phải làm, bộc lộ hạn chế, yếu kém, cho nên chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy công tác này, tiếp tục cải cách hành chính ở một số ngành, địa phương để sự vận hành của hệ thống nhà nước trong sạch, lành mạnh, linh hoạt, phù hợp, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp; phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Một trong những công việc phải thúc đẩy là phải kiện toàn Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng nhấn mạnh, phiên họp này để đánh giá công tác cải cách hành chính năm 2021, xác định nhiệm vụ năm 2022; thảo luận một số nguyên tắc, quy chế làm việc. Năm 2022 có chủ đề Đoàn kết - Kỷ cương - Chủ động - Thích ứng  - An toàn - Hiệu quả - Phục hồi - Phát triển. Công tác cải cách hành chính phải được đẩy mạnh để phục vụ chủ đề này.

Liên quan cải cách thể chế, thủ tục, bộ máy, chúng ta phải phải làm tốt vì nó liên quan cả bộ máy tổ chức đòi hỏi phải có tầm nhìn, bám sát thực tiễn, trên cơ sở đó có định hướng đúng, tổ chức thực hiện tốt, giảm phiền hà, sách nhiễu, làm cho bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh. Những gì chưa làm được, những gì nhân dân, doanh nghiệp góp ý thì phải cầu thị lắng nghe, tiếp thu, sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện.

Công tác cải cách hành chính phải được thúc đẩy để góp phần chống tiêu cực, sách nhiễu, đặc biệt làm tham nhũng vặt. Các bộ, ngành phải chung tay, các thủ tục hành chính phải thực hiện nhanh, phải suy nghĩ để cải thiện cách làm việc. Không nên chỉ ngồi "nói cải cách mà không làm gì", không phải là "nói xong để đó", như thế không thể "do dân, vì dân" được. Trong tư duy, trong đầu mà không cải cách thì không thể cải cách được.

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ -0
Toàn cảnh phiên họp.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực hiệu quả của Ban Chỉ đạo và các thành viên, công tác cải cách hành chính năm 2021 có nhiều kết quả nổi bật. Đặc biết về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 2 luật và xem xét, cho ý kiến 6 dự án Luật. Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 23 đề nghị xây dựng luật; ban hành 200 nghị quyết, 139 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 41 quyết định quy phạm pháp luật; 36 chỉ thị. Các Bộ, ngành ban hành gần 800 thông tư…

Cải cách thủ tục hành chính được thúc đẩy mạnh mẽ dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp: đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh; đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 07 bộ. Chỉ số về cải thiện chất lượng các quy định pháp luật năm 2021 trong bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá tăng 6 bậc.

Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa các cấp (thông qua Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa tại các bộ, ngành, địa phương) ngày càng được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, dân chủ và hiện đại: Chất lượng cung cấp dịch vụ công có nhiều cải thiện rõ nét; góp phần quan trọng trong việc phòng, chống các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà, bức xúc cho người dân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển đất nước thời gian qua.

Về tổ chức, bộ máy: Cơ cấu bộ, ngành giữ nguyên nhưng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trọng cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. Giảm 7 tổ chức cấp sở; giảm 1.648 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở; đơn vị sự nghiệp công lập giảm 12,35% so với năm 2015

Chế độ công vụ có nhiều đổi mới tích cực: tăng cường phân cấp; cải cách thủ tục hành chính; đổi mới chính sách tuyển dụng; giảm biên chế đạt mục tiêu đề ra, đã giảm 10,01% biên chế công chức, giảm 11,67% biên chế sự nghiệp… Bộ Nội vụ có nhiều đổi mới, cải cách, như việc phân cấp tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bỏ quy định bắt buộc về các chứng chỉ.

Chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt nhiều bước tiến: từ việc ban hành các văn bản, xây dựng, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia, đến việc tổ chức thực hiện. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành Hệ thống CSDLQG về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử phục vụ hiệu quả công tác quản lý xã hội nhất là phục vụ bầu cử và phòng, chống dịch COVID-19. Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đều được quan tâm, tổ chức vận hành tốt, phát huy hiệu quả tích cực…

Theo VOV
.
.
.