Thủ tướng bấm nút khởi công 2 dự án cao tốc quan trọng

Chủ Nhật, 25/06/2023, 09:08

Sáng nay (25/6), Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được khởi công cùng lúc với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1. Đây là hai dự án công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khởi công cùng giờ, cùng ngày và cùng hướng đến mục tiêu đưa vào vận hành vào năm 2027.

Tại Hà Nội, lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô diễn ra đồng loạt tại 6 vị trí thuộc ba địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ tại điểm khởi công xã Song Phương, huyện Hoài Đức.

Khởi công 2 dự án cao tốc quan trọng của cả nước -0
Các đại biểu tham dự lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án  được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương dành cho TP Hà Nội và 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Vùng Thủ đô. Lần đầu tiên, một dự án trọng điểm quốc gia, là nhiệm vụ của Trung ương, nhưng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ đã nhất trí giao cho TP Hà Nội làm chủ đầu tư, phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án chung cho cả 3 tỉnh, TP.

Đây là tuyến đường vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Dự án đường Vành đai 4 được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập với tổng diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 1.386,313ha, tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, TP bằng vốn đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, TP bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 (Dự án PPP) đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi đất được 671,16/798,043 ha, đạt 84,10%. Tại tỉnh Hưng Yên, đã phê duyệt và thu hồi đất được 161,84/229,88 ha, đạt 70,40%. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và thu hồi đất được 286,712/358,39 ha, đạt 80,0%.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ, với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân các địa phương, sau 1 năm 9 ngày, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30/6/2023). Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó TP  Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%).

Khởi công 2 dự án cao tốc quan trọng của cả nước -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Báo cáo với Thủ tướng kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị và triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã chú trọng phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân cũng như tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở. “Hà Nội cũng đã tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu “trọng điểm của trọng điểm”. Từ đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các tỉnh, thành, đặc biệt là Hà Nội và Đồng Tháp. Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục ngang quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tạo không gian phát triển vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo Thủ tướng Chính phủ, công tác bồi thường, GPMB hỗ trợ tái định cư cho người dân của 2 Dự án được khởi công ngày hôm nay rất lớn, gần 2.000 ha, nhất là Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là rất khó khăn, phức tạp... Nhưng, các địa phương dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của các cấp chính quyền và sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện GPMB - khâu đầu tiên, trọng điểm nhất của dự án.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục bám sát tiến độ, giám sát phân cấp, phân quyền, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ theo đúng yêu cầu Quốc hội đã đặt ra. "Chúng ta phải chú trọng làm sao để công tác tái định cư của người dân đến nơi ở mới ít nhất bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Đề nghị các đồng chí kiểm tra nơi ở mới của người dân đã thực sự đã bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ chưa. Chúng ta đã cam kết với người dân thì chúng ta phải thực hiện tốt", Thủ tướng yêu cầu.

Nhấn mạnh kết quả khởi công hôm nay mới chỉ là bước đầu, công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức, Thủ tướng yêu cầu các bộ và các tỉnh, TP được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công một cách nhanh nhất có thể; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng bấm nút khởi công 2 dự án cao tốc quan trọng -0
Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu nhấn nút khởi công đồng loạt Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập khi triển khai các dự án cao tốc giai đoạn trước và phát huy tối đa những thành quả đã đạt được, đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh, TP bám sát thực tiễn, bám sát dự án, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu, không đội vốn.

“Đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành nào, một địa phương nào; mà là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các địa phương, bộ, ngành vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương và đất nước để thực hiện chủ trương lớn của Đảng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

​Dự án đường Vành đai 4 có quy mô 112,8km và sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Quốc hội giao việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Quốc hội cũng cho phép một số cơ chế đặc thù về nguồn vốn đầu tư, tổ chức thực hiện, chỉ định thầu và khai thác vật liệu cho dự án...  Lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 được tổ chức tại 4 địa điểm gồm: Km28+900, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức; Quốc lộ 2 giao đường Vành đai 4 xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; Đường trục phía Nam, giao đường Vành đai 4 xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai; Km190+270 đường Quốc lộ 1A giao với Vành đai 4, xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài gần 27,5 km. Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có chiều dài khoảng 27,43 km; điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án nhóm A, có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước với tổng vốn khoảng 5.886 tỉ đồng. Dự án chia làm 2 thành phần. Theo đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16 km, từ Km 0 đến Km16+000 nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng.

Ngọc Yến - Nguyễn Bình
.
.
.