Thủ tướng: 10km cao tốc chia 3 nhà thầu, 3 tư vấn giám sát… kiểm tra thôi cũng mệt

Thứ Sáu, 13/01/2023, 18:18

Chiều 13/1, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và chỉ đạo hội nghị. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà ngành giao thông, lãnh đạo ngành giao thông đã đạt được trong năm qua. Thủ tướng cũng cho biết, tinh thần chung của Chính phủ tới đây là tập trung cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là cao tốc để phát triển kinh tế, xã hội. Làm sao để tất cả các tỉnh đều có đường cao tốc. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm được, còn nhiều điểm chưa được.

Cụ thể, việc quản lý nhà nước của ngành giao thông còn nhiều điểm nghẽn, còn chồng chéo quy định pháp luật. Cần rà soát lại để tổ chức thực hiện. Ví như đường cao tốc, Chính phủ đã phê duyệt thì các cấp còn lại chỉ thực hiện thôi. Giờ đi qua ruộng lại phải xin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đi qua rừng cũng lại phải xin. Cần tháo gỡ vấn đề này. Một điểm nữa là cần tháo gỡ khó khăn trong vấn đề BOT và BT. Hai chính sách này phải nhất quán. Nếu theo thời gian thay đổi thì phải có chuyển tiếp. Vấn đề này cần phải làm ngay vì nguồn lực xã hội rất lớn, nên cần phải kích hoạt cơ chế chính sách. “BOT không có tội tình gì, chỉ có người thực hiện mới có tội”, Thủ tướng nói.

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, Thủ tướng nêu rõ: Chuyển đổi số của Bộ GTVT còn chậm. Dù thời gian qua đã phối hợp tốt với Bộ Công an trong vấn đề giấy phép lái xe. Nhưng bên cạnh đó như Dự án sân bay Long Thành đấu thầu mãi chưa xong. Cần làm cho minh bạch, trong sáng. Một số dự án cần đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Không nên chia nhỏ, làm dàn trải. Như dự án cao tốc Bắc Nam, hình dung 10km chia 3 nhà thầu, 3 tư vấn giám sát… kiểm tra thôi cũng mệt. Bộ GTVT cần thay đổi tư duy. Mời các nhà thầu quốc tế vào. Mình phải hết sức trong sáng, vì lợi ích chung. Các Ban quản lý dự án cần phải xem lại, rút kinh nghiệm, không chia be bét dự án ra. Nghiêm cấm bán thầu để tránh tiêu cực, tham nhũng.

Đặc biệt quan tâm đến công tác đăng kiểm, Thủ tướng Chính phủ nói: Cứ xin - cho là còn tiêu cực. Bộ GTVT cần xem xét lại việc đăng kiểm ô tô. Giờ người dân phải xếp hàng cả đêm, Bộ GTVT phải kiểm điểm sâu sắc, không để tình trạng này xảy ra nữa.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra nhận định chung: Việc phối hợp giữa các bộ, ngành cần chặt chẽ hơn. Hiện nay rất ì ạch. Gần đây việc sợ trách nhiệm nhiều, ai cũng dè dặt giữ phần mình. Trong quy chế của Chính phủ đã nói rõ, nếu các quy chế còn vướng, thì các Bộ trưởng phải đứng ra gặp nhau để giải quyết, thống nhất vấn đề. "Hiện tôi chỉ thấy hai bộ Công an và Quốc phòng là giải quyết nhanh vấn đề", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Cứ xin- cho là còn tiêu cực” -0
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ GTVT kiểm tra lại việc đấu thầu các dự án lớn, không có đội vốn bất hợp lý, phải kiểm soát được tiến độ và chất lượng. Kiên quyết xử lý nghiêm cá nhân vi phạm. Tập trung đổi mới hoạt động vận tải, tránh tiêu cực trong điều hành vận tải. Việc slot ở sân bay cũng còn tiêu cực. Tại sao chỉ ưu tiên một số hãng giờ tốt, hãng khác thì không. Cần điều hành sao cho tránh tiêu cực.

Trước đó, thông tin tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, hoạt động vận tải đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực. Sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng ấn tượng. Đến hết 31/12/2022, so với cùng kỳ, khối lượng hàng hóa tăng 23,7%; luân chuyển hàng hóa tăng 

Về công tác bảo đảm TTATGT, trong năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật TTATGT; xây dựng, ban hành nhiều văn bản, công điện, kế hoạch để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về bảo đảm TTATGT. 

Cùng với đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và triển khai một số dự án nâng cấp, đầu tư mới các cảng hàng không, cảng biển, luồng hàng hải - đường thủy nội địa quan trọng khác. Việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới đảm bảo cả 3 mục tiêu “chất lượng, tiến độ, hiệu quả”.

Chỉ riêng năm 2022, Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, trong đó chỉ riêng Kỳ họp lần thứ III, đã thông qua 5 dự án. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án; trong đó có nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, đường cất hạ cánh tại 2 Cảng Hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, 2 dự án đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ chí Minh, thông xe tuyến chính 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Hoàn thiện toàn bộ thủ tục theo đúng quy định pháp luật để khởi công 18 dự án động lực như nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Rạch Miễu 2 và đặc biệt lần đầu tiên ngành GTVT tổ chức khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông với 12 dự án thành phần...

Phạm Huyền
.
.
.