Thu hồi hơn 2.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng, kinh tế

Thứ Hai, 06/09/2021, 11:49

Sáng 6/9, tiếp tục Phiên họp Thường trực Ủy ban Tư pháp (UBTP) mở rộng, các đại biểu đã nghe ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021.

51 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2021 mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sâu sát, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, các cấp, các ngành, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước; gắn PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, "không ngừng", "không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong đấu tranh PCTN.

Tài sản tham nhũng, kinh tế bị thiệt hại hơn 26.540 tỷ đồng song chỉ thu hồi 7,66% -0
Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Mạnh Cường trình bày ý kiến của Thường trực Ủy ban.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã sâu sát, quyết liệt, chỉ đạo toàn diện công tác PCTN; chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN, qua đó lan tỏa quyết tâm đấu tranh PCTN trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương bám sát và triển khai quyết liệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác đấu tranh PCTN; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành nhưng luôn bám sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất trong công tác PCTN; không để mọi việc trì trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh, kiên quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Cũng theo báo cáo, các cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 478 vụ án, 1.051 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 282 vụ, 536 bị can (giảm 4 vụ, 70 bị can so với cùng kỳ năm trước); thiệt hại hơn 628 tỷ đồng; thu hồi tài sản trong các vụ án đang thụ lý trên 503 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản...). Đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 254 vụ, 650 bị can.

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) các cấp thụ lý giải quyết 331 vụ, 1.006 bị can (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020); đã giải quyết 282 vụ, 851 bị can, đạt tỷ lệ 85,1% (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020). Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 362 vụ với 1.039 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 186 vụ, 440 bị cáo về các tội tham nhũng. Kết quả công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.047 việc, với tổng số tiền, giá trị tài sản trên 33.000 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.745 việc, với số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi hơn 2.000 tỷ đồng...

Theo báo cáo của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, trong kỳ, đã có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Cụ thể, có 16 người đứng đầu bị xử lý hình sự; 35 người đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người). Có 4 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 350 triệu đồng...

Tham nhũng ngay trong cơ quan có nhiệm vụ PCTN diễn biến phức tạp

Trình bày ý kiến của Thường trực UBTP, Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Mạnh Cường đánh giá, năm 2021, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN với nguyên tắc "có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó…" Các cơ quan chức năng đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; chất lượng công tác điều tra, xử lý được nâng lên, đã khởi tố mới nhiều vụ án; mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang…

Tài sản tham nhũng, kinh tế bị thiệt hại hơn 26.540 tỷ đồng song chỉ thu hồi 7,66% -0
Toàn cảnh phiên họp.

Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục phát huy vai trò trong công tác PCTN. Việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng tại nhiều địa phương có chuyển biến tốt hơn, khắc phục dần tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; một số địa phương đã chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế rất nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Công tác xét xử tội phạm tham nhũng cơ bản kịp thời, việc xét xử bảo đảm nghiêm minh… Những kết quả về phát hiện, xử lý tham nhũng nêu trên đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, Thường trực UBTP nhận định, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn có những hạn chế. Theo Báo cáo của VKSND tối cao, tài sản tham nhũng, kinh tế bị thiệt hại, chiếm đoạt trong kỳ đã thu hồi hơn 2.032 tỷ đồng. Ngoài ra còn thu hồi 10.000 USD; phong tỏa tài khoản hơn 7,1 triệu USD; phong tỏa gần 66.000 USD; kê biên 13 triệu cổ phiếu; kê biên 38 bất động sản...

Tình trạng tham nhũng tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có nhiệm vụ PCTN tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, gây tổn hại uy tín, giảm niềm tin của Nhân dân đối với các cơ quan này... Điển hình, vụ ông Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ"; vụ ông Trần Hùng, Tổ trưởng Tổ công tác 1444 của Tổng cục Quản lý thị trường bị khởi tố về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; vụ ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Viện trưởng Viện KSND TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ"; vụ ông Nguyễn Văn Tuấn, Thẩm phán Tòa án TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ"….

Bên cạnh đó, trong năm 2021, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ "lợi ích nhóm", "sân sau", tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục…, trong đó có sự câu kết, "thổi giá" giữa cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thẩm định giá.

Đáng lưu ý là đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với một số hành vi phổ biến như: mua bán, đấu thầu trang thiết bị phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi… Do đó, Thường trực UBTP đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế.

Quỳnh Vinh
.
.
.