Thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu
Chiều 24/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp để xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương năm 2024 với tổng số tiền là 5.834,437 tỷ đồng từ nguồn các lĩnh vực chi còn lại của ngân sách Trung ương năm 2024 đã được Quốc hội quyết định nhưng chưa phân bổ tại Nghị quyết số 105/2023/QH15 của Quốc hội để thực hiện các chính sách an sinh xã hội các năm 2023 - 2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022 - 2023 và năm học 2023 - 2024.
Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương năm 2024 với tổng số tiền là 600 tỷ đồng từ nguồn các lĩnh vực chi còn lại của ngân sách Trung ương năm 2024 đã được Quốc hội quyết định nhưng chưa phân bổ tại Nghị quyết số 105/2023/QH15 của Quốc hội để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương số tiền 5.834,437 tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội các năm 2023 - 2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022 - 2023 và năm học 2023 - 2024; bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương số tiền 600 tỷ đồng để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn vốn từ các nông, lâm trường quốc doanh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm về căn cứ pháp lý của các nội dung đề xuất, tính chính xác của số liệu, tính đầy đủ, hợp lệ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện bổ sung, giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Chính phủ quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí được phân bổ bổ sung dự toán đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng mụcđích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực; báo cáo Quốc hội việc bổ sung dự toán này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo đúng quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm đối với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng dự toán để hạn chế thấp nhất các khoản kinh phí không phân bổ được dự toán ngay từ đầu năm.
Quá trình điều hành của Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt để sớm giao dự toán các khoản chưa phân bổ, tránh chậm trễ, kéo dài, lãng phí, kém hiệu quả nguồn lực ngân sách Nhà nước và xảy ra tình trạng giao dự toán cuối năm không kịp sử dụng phải thực hiện việc chuyển nguồn kinh phí sang năm sau.
Hoàn thiện các quy định để quản lý, điều hành giá xăng dầu
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025. Cụ thể: Xăng, trừ etanol 2.000đ/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000đ/lít; mỡ nhờn 1.000đ/kg; dầu hỏa 600đ/lít. Thời hạn áp dụng Nghị quyết từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025.
Từ ngày 1/1/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp để dự báo tình hình, phản ứng nhanh, chính xác, kịp thời hơn, chủ động trong việc xây dựng chính sách, bảo đảm thời gian, trình tự, thủ tục cho các cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định hoặc cho ý kiến. Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm mục tiêu đề ra; điều hành thực hiện nhiệm vụ thu để bảo đảm cân đối ngân sách và bội chi ngân sách Nhà nước năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và nhu cầu cấp bách phát sinh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định để quản lý, điều hành giá xăng dầu, bám sát diễn biến giá thế giới nhưng có đủ các giải pháp để đảm bảo giá bán xăng dầu hợp lý, phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân và kiểm soát lạm phát. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh phù hợp các khoản thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức chi phí, định mức hao hụt, định mức lợi nhuận, năng lực dự trữ quốc gia; sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn thị trường, chú ýcác giải pháp, có lộ trình để đảm bảo nguồn lực và tiếp tục thực hiện các mục tiêu liên quan đến môi trường, phát triển bền vững và các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế tại COP 26.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản tán thành sự cần thiết bổ sung các nguồn từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, cũng như áp dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn phù hợp trong năm 2025 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhấn mạnh “vấn đề áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn, người dân, doanh nghiệp rất cần”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần rút kinh nghiệm để làm sớm, tránh tình trạng cuối năm mới đưa ra bàn về vấn đề này. Đồng thời, Chính phủ cân nhắc lộ trình tăng dần mức thuế bảo vệ môi trường để tiến tới áp dụng mức thuế quy định tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm phù hợp với bản chất và nguyên tắc của thuế bảo vệ môi trường, phù hợp với diễn biến dự báo giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng như thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Trong phiên họp chiều 24/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án phân bổ dự toán kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2025.