Thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), minh bạch trong quản lý điện năng lượng tái tạo

Thứ Bảy, 30/11/2024, 14:41

Chiều 30/11, Quốc hội thông qua dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Luật gồm 8 chương, 81 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025.

Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, một số ý kiến ĐBQH đề nghị tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ để không xảy ra các sai phạm trong thời gian trước hoặc xảy ra việc trục lợi chính sách, hợp pháp hoá sai phạm các dự án điện năng lượng tái tạo.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo luật để bảo đảm các nội dung trong dự thảo luật không quy định hoặc có quy định liên quan đến các dự án điện năng lượng tái tạo đang thuộc diện thanh kiểm tra, điều tra, không hợp thức hóa sai phạm. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều quy định tại Chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (từ Điều 20 đến Điều 29), bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.

Thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo.

Về phát triển điện gió ngoài khơi, UBTVQH nhận thấy, hiện nay, trên thế giới chưa có định nghĩa và phân loại thống nhất. Dự thảo luật quy định dự án điện gió trên biển thuộc vùng biển Việt Nam gồm 2 đối tượng: dự án điện gió gần bờ; dự án điện giớ ngoài khơi và thể hiện như khoản 5 Điều 20.

Ngoài ra, thống nhất với ý kiến Chính phủ, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng bỏ các nội dung quy định về chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi (trong dự thảo luật Chính phủ trình); đồng thời, bổ sung khoản 8 Điều 26 và thể hiện như sau: "Việc chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết khoản này"; làm rõ thẩm quyền lựa chọn đơn vị khảo sát dự án điện gió ngoài khơi trước khi lựa chọn nhà đầu tư và thể hiện tại khoản 2 Điều 27; việc giao doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện khảo sát dự án điện gió ngoài khơi không thay thế thẩm quyền giao khu vực biển theo quy định của pháp luật về biển, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định chính sách ưu đãi đối với các dự án điện gió ngoài khơi tại khoản 3 Điều 26.

Thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung biểu quyết.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lý giải, quy định như trên nhằm thể chế hoá Nghị quyết số 55 ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung về xây dựng cơ chế, chính sách cho điện gió ngoài khơi, bảo đảm phù hợp với công tác quản lý, thực hiện pháp luật về quy hoạch, pháp luật về biển, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và đặc thù của lĩnh vực điện gió trên biển.

Quy định lộ trình xoá bỏ bù chéo giá điện

Về giá điện, giá dịch vụ về điện và thị trường điện (Chương V), đối với nội dung xóa bỏ bù chéo giá điện, UBTVQH thấy rằng, việc giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền là cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 55. Hiện nay, giá bán lẻ điện đang áp dụng thống nhất toàn quốc, có bù chéo giá điện giữa các vùng miền. Đối với bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ thông qua xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phản ánh chi phí theo đặc điểm tiêu thụ điện gây ra cho hệ thống điện.

Thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), minh bạch trong quản lý điện năng lượng tái tạo -0
ĐBQH biểu quyết thông qua dự án luật.

Việc thực hiện giảm bù chéo giá điện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (như tiến độ thực hiện và mức độ tái cơ cấu ngành điện, các chính sách/công cụ về tài chính khả thi để thực hiện giảm bù chéo...), cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng để xây dựng phương án lộ trình cụ thể; việc quy định để thực hiện xoá bỏ ngay việc bù chéo giá điện là chưa khả thi. Vì vậy, dự thảo luật chỉ quy định lộ trình xoá bỏ bù chéo giá điện và giao Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện đồng bộ với các cấp độ phát triển thị trường điện như thể hiện tại điểm d khoản 2 Điều 39 và điểm c khoản 3 Điều 50.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật quy định giá điện trúng thầu là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu, giao Chính phủ quy định chi tiết việc đàm phán, giao kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của các bên tại khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 19.

"Đối với thị trường điện kỳ hạn là vấn đề mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm ở Việt Nam, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng trước khi đưa vào dự thảo luật, dự thảo luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết như thể hiện tại khoản 6 Điều 45", Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bổ sung.

Quỳnh Vinh
.
.
.