Thị xã Sông Cầu sẽ là thành phố cửa ngõ phía Bắc Phú Yên
Thời gian gần đây, người dân thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đặc biệt quan tâm đến việc chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến một số nội dung liên quan đề án thành lập TP Sông Cầu, trên cơ sở địa giới hành chính thị xã, trong đó có thành lập 5 phường từ 5 xã Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Lộc, Xuân Hải.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, vùng đất này nằm ở phía Bắc tỉnh Phú Yên tiếp giáp với TP Quy Nhơn (Bình Định), toàn thị xã hiện có gần hơn 150.000 người dân cư trú tại 4 phường và 9 xã. Thiên nhiên ban tặng Sông Cầu bờ biển trải dài gần 80km với nhiều đầm, vịnh, vũng cùng những cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục bên đầm Cù Mông và danh thắng quốc gia vịnh Xuân Đài. Đó là tiềm năng lợi thế để Sông Cầu khai thác và phát triển kinh tế du lịch gắn với thủy sản ở nơi mệnh danh “thủ phủ tôm hùm”…
Đảng bộ thị xã Sông Cầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định tiếp tục phát huy lợi thế kinh tế biển, đầu tư phát triển du lịch Sông Cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu du dịch vịnh Xuân Đài là giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.
Từ khi được công nhận là đô thị loại III vào năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sông Cầu luôn nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững ổn định quốc phòng – an ninh. Đến nay, cơ cấu kinh tế thị xã Sông Cầu đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp xây dựng, dịch vụ chiếm 93%, nông nghiệp chiếm 7%, thu nhập bình quân đầu người trong năm đạt 96,7 triệu đồng, thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 830 tỷ đồng, so với năm 2009 tăng 11 lần về thu nhập bình quân đầu người và tăng 12,3 lần về nguồn thu ngân sách.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2020 -2025, ngày 18/8/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về lãnh đạo xây dựng, phát triển thị xã Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025. Nhiều mục tiêu đã được đặt ra tại nghị quyết này để xây dựng và phát triển thị xã xứng tầm trung tâm kinh tế, văn hoá - xã hội phía Bắc tỉnh Phú Yên.
Theo ông Phan Trần Vạn Huy, cùng với việc tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tiếp tục củng cố, giữ vững ổn định quốc phòng – an ninh; thị xã Sông Cầu xác lập quy hoạch chung đô thị đến năm 2045 và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 theo hướng mở rộng không gian đô thị. 5 xã thành lập phường sẽ được quy hoạch phân khu, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống điện - nước, điện chiếu sáng, xử lý nước thải đô thị, thu gom chất thải rắn…
Khu du lịch Quốc gia vịnh Xuân Đài cũng được phân vùng để có cơ sở quản lý, thu hút đầu tư, gắn kết phát triển đô thị với du lịch dịch vụ. Bên cạnh Khu đô thị mới Bắc Lục Khẩu, Khu đô thị bờ kè Tam Giang sẽ tập trung đầu tư các khu dân cư, khu đô thị mới như: Lệ Uyên, Xuân Đài, Xuân Phú, Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Thịnh, Xuân Lộc, Xuân Phương… đồng thời nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông nội thị, trong đó có những tuyến đường kết nối quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc – Nam. Đặc biệt ven đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài và đôi bờ hạ lưu sông Tam Giang sẽ hình thành những khu dân cư tập trung với không gian xanh – sạch – đẹp, đảm bảo hài hòa, phù hợp kiến trúc, cảnh quan đặc trưng đô thị du lịch biển.
Trong quy hoạch phát triển đô thị Sông Cầu còn phải chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm như: công viên, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa… phát triển cây xanh đô thị, hồ nước, không gian công cộng, tạo cảnh quan và cải thiện môi trường sinh thái, tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc đô thị gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy Phú Yên về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng Phú Yên đến năm 2025 trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.
Quy hoạch kinh tế Sông Cầu có 4 vùng phát triển: dịch vụ du lịch, kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, nông nghiệp. Các khu – cụm công nghiệp cũng được quy hoach lại để phát huy hiệu quả những ngành, nghề phù hợp tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo sản phẩm có giá trị cao; chuyển dịch Khu Công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu về phía Tây để tạo quỹ đất phát triển thương mại, dịch vụ ven biển. Tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp. Đặc biệt là tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch ven vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, giao thông đường thủy nội địa và các điểm đến du lịch như: Hành Cung Long Bình, di tích danh nhân Đào Trí, địa điểm tàu ngoại giao Hoa Kỳ đến Việt Nam… kết nối du lịch Sông Cầu với các khu du lịch trong và ngoài tỉnh. Đưa vùng nuôi tôm, cá lồng bè rời xa bờ để ứng dụng công nghệ cao, tránh ô nhiễm môi trường, kết hợp phát triển thủy sản với du lịch…
Trong quy hoạch phát triển văn hóa – xã hội chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng cùng các loại hình nghệ thuật tiêu biểu trong cộng đồng dân cư để phục vụ du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn, văn minh đô thị; đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực giáo dục, văn hóa, y tế…
“Để tạo thế chủ động phát triển kinh tế - xã hội trong hành trình vươn lên thành phố trực thuộc tỉnh Phú Yên, Đảng bộ, chính quyền thị xã Sông Cầu thường xuyên chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh; xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh và củng cố quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội bằng nhiều biện pháp, giải pháp” – ông Phan Trần Vạn Huy chia sẻ thêm.