Thí điểm đấu giá biển số, người dân được lợi gì?

Thứ Tư, 22/09/2021, 19:48

Theo Đề án của Bộ Công an thì người trúng đấu giá có quyền được cấp giấy chứng nhận biển số trúng đấu giá; được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, cho, tặng, thế chấp.

Ngày 22/9, Cục CSGT đã tổ chức Hội thảo khoa học Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan, bộ, ngành chức năng. Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, mục tiêu xây dựng Đề án nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đăng ký, quản lý ô tô, mô tô; đáp ứng cao nhất việc lựa chọn biển số theo nhu cầu của người dân; góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Mua biển số qua đấu giá người dân có quyền gì?

Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo đó là quyền của người dân sau khi trúng đấu giá. Theo Đề án của Bộ Công an thì người trúng đấu giá có quyền: được cấp Giấy chứng nhận biển số trúng đấu giá; được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, cho, tặng, thế chấp. Bộ Công an cũng đưa ra phương án là khác là giữ nguyên quy định như hiện nay, cho phép đấu giá biển số, cho phép sử dụng nhưng biển số đó sẽ gắn với phương tiện khi mua bán.

Thí điểm đấu giá biển số: người dân được lợi gì? -0
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT phát biểu tại Hội thảo

Góp ý về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ủng hộ Đề án đấu giá biển số. “Mục đích lớn nhất là thoả mãn lợi ích chính đáng của người dân. Đây cũng là hình thức cao nhất mà Chính phủ mong muốn đạt được” và cho biết, người dân có quyền mua bất cứ biển nào mình thích, kể cả chưa ra biển, chưa có phương tiện vẫn có quyền đấu giá biển số. “Tuy nhiên, quyền giữ biển số sau khi mua đó phải có thời hạn, chứ không thể giữ mãi mà không đăng ký để gắn với phương tiện. Theo đó, người mua bắt buộc phải đăng ký trong khoảng thời gian quy định, ví dụ 6 tháng sau nếu người mua không đăng ký gắn vào phương tiện thì biển số đó sẽ tự động quay lại kho số để đấu giá tiếp” – đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết.

Thí điểm đấu giá biển số: người dân được lợi gì? -0
Đại biểu Phan Đức Hiếu Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Phan Đức Hiếu cũng chia sẻ kinh nghiệm ở Singapore, cấp biển số bình thường là 321 đô Sing, biển số theo phương thức lựa chọn tối thiểu là 1.000 đô Sing. Người dân muốn đấu giá thì phải nộp lệ phí và tiền đặt cọc vào tài khoản của cơ quan đấu giá. Nếu không trúng đấu giá thì tiền đặt cọc tự động trả lại vào tài khoản của cá nhân đó. Lệ phí là khoản tiền nhất định để duy trì việc đấu giá” – ông Hiếu cho biết đồng thời đề nghị, người sở hữu biển số qua đấu giá có quyền mua bán thứ cấp. Nghĩa là, sau khi trúng đấu giá, người sở hữu có quyền cho tặng, chuyển nhượng cho người khác.

Thí điểm đấu giá biển số: người dân được lợi gì? -0
Luật sư Trương Thanh Đức.

Đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Trương Thanh Đức cũng nhất trí phương án nên cho phép người đấu giá trúng biển số có quyền về tài sản. “Đấu giá quyền tài sản nói chung, đấu giá biển số nói riêng, thì chính là hình thức bán quyền tài sản. Như vậy, trong các trường hợp nêu trên thì người trúng đấu giá được phép chuyển nhượng. Bản chất của chuyển nhượng là việc cho phép mua bán, tương đương với việc chuyển giao quyền sở hữu. Người trúng đấu giá được giữ biển số, được chuyển lắp cho xe khác, được chuyển nhượng cho người khác, quyền được thế chấp và thừa kế. Việc pháp luật chấp nhận như vậy là điều hoàn toàn hợp lý, cần thiết, khả thi và không mâu thuẫn với các nguyên lý của pháp luật hay yêu cầu quản lý  biển số của Nhà nước” – Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định và cho rằng,điểm quan trọng khác biệt nhất giữa số biển số và các quyền tài sản khác là biển số phải gắn với xe theo một quy chuẩn thống nhất.  

Vướng luật thì phải kiến nghị sửa 

Trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Đăng ký và Quản lý phương tiện, Cục CSGT cho biết, thực tế trong xã hội nhiều năm qua, có rất nhiều người có nhu cầu sở hữu những biển số theo sở thích. Xuất phát từ nhu cầu của người dân, Bộ Công an đã hai lần phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn. Cụ thể là năm năm 1993, Bộ Công an chỉ đạo Công an TP Hải Phòng tổ chức thí điểm đăng ký cấp biển số tự chọn. Sau đó, báo chí và dư luận xã hội còn nhiều ý kiến trái chiều nên Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngừng triển khai. Năm 2008, Công an một số tỉnh báo cáo Bộ Công an xin đấu giá biển số xe, Bộ Công an đã trao đổi với các Bộ chức năng báo cáo và được Chính phủ đồng ý cho đấu giá biển số. Sau đó, do vướng mắc về cơ sở pháp lý nên Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm dừng việc đấu giá biển số.

Thí điểm đấu giá biển số: người dân được lợi gì? -0
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, chủ trương cho đấu giá biển số phục vụ lợi ích lớn nhất là phục vụ người dân nhưng cũng phải đạt mục tiêu thu vào ngân sách nhà nước. Phải xem xét để người dân được gì, ngân sách được gì nếu đấu giá.

“Tôi làm việc ở Quốc hội hơn 20 năm tôi biết, kỳ họp nào cũng có đại biểu đề cập vấn đề đấu giá biển số xe nhưng nhưng không thực hiện được vì vướng luật. Các địa phương đi sai hướng vì sửa luật chỉ có Quốc hội. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng để Quốc hội cho phép sửa luật hoặc ban hành nghị quyết cho phép đấu giá biển số xe thì phải chứng minh được lợi ích của việc này, chi phí phải thấp hơn lợi ích thu được. Về vấn đề thí điểm cho phép đấu giá, tôi cho rằng việc này không trái Hiến pháp thì có thể cho phép.  

Đại biểu Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp  cho biết, việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá là có thể thực hiện được nếu Quốc hội cho phép.  Đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện Đề án báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình  Quốc hội.  “Việc quan trọng là các đồng chí phải chuẩn bị kỹ lưỡng tài sản đấu giá, đó là các biển số nào đưa ra đấu giá, giá sàn như thế nào, đánh giá tác động xã hội và lợi ích thu được từ việc thực hiện Đề án” – bà Nguyễn Thị Mai cho biết.

Thí điểm đấu giá biển số: người dân được lợi gì? -0
Đại biểu Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp.

Đại diện Vụ quản lý công sản, Bộ Tài chính cũng cho biết, ủng hộ Đề án đấu giá biển số, trong quá trình triển khai thực hiện thì cần phải có đồng bộ giữa các Luật cần phối hợp chặt chẽ các bộ để đảm bảo thống nhất, đạt mục tiêu đưa ra công khai minh bạch tăng thu ngân sách nhà nước.

Đấu giá trực tuyến hay qua công ty đấu giá?

Theo Đề án của Bộ Công an thì Công an các địa phương sẽ tổ chức đấu giá dưới hình thức ký hợp đồng thuê công ty đấu giá tài sản để công ty này tổ chức đấu giá theo các hình thức được quy định trong Luật Đấu giá tài sản. Cụ thể, có thể đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; đấu giá trực tuyến. Hình thức đấu giá sẽ được quy định trong Quy chế đấu giá và công bố công khai cho người tham gia đấu giá biết.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, chúng ta nên tận dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, hoàn toàn có thể cấp biển số theo lựa chọn của người dân dưới hình thức online qua phần mềm. Theo đó, định giá số sàn cao hơn lệ phí cấp bình thường. Sau đó đưa tất cả các số lên mạng để người dân lựa chọn. Nếu người dân có nhu cầu số gì thì lên mạng kiểm tra xem còn số đó hay không và trả giá bất kỳ. Giá này không công khai nên người dân và cả các cơ quan chức năng cũng không biết có bao nhiêu trả giá, giá bao nhiêu. Đến hết thời hạn đấu giá thì phần mềm sẽ tự lọc giá nào cao nhất thì người trả giá cao nhất sẽ trúng. Việc này rất dễ, không tốn nhiều công sức mà rất công khai, minh bạch” – ông Hiếu cho biết.

Về việc này, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, theo quy định của Luật Tài sản công thì phải tổ chức đấu giá và có Hội đồng đấu giá, định giá, giá sàn... “Nếu Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng ủng hộ cho phép đấu giá qua mạng thì chúng tôi thiết kế phần mềm. Việc này không khó, chỉ trong nửa tháng, chúng tôi hoàn thiện phần mềm ngay”.

Về vấn đề này, các đại biểu cũng thống nhất quan điểm nên đưa vào Đề án hình thức đấu giá trực tuyến, không cần thông qua các địa phương, chỉ cần phần mềm, đưa kho số vào để người dân lựa chọn, trả giá, khi hết thời gian thì phần mềm sẽ tự lọc ra người trả giá cao nhất.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, Nghị quyết có thể thí điểm ở nhiều luật, việc cho phép đấu giá trực tuyến có thể thực hiện được. Việc đấu giá tổ chức công khai trên mạng, giá người dân đưa ra được giữ kín, không ai biết, kể cả cơ quan chức năng, nếu hết thời hạn đấu giá ai trả cao nhất thì trúng đấu giá.

Kết luận Hội thảo, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, việc quan trọng nhất trong Đề án đó là tháo gỡ vướng mắc trong quy định của pháp luật về quyền của người trúng đấu giá đối với biển số. “Nếu chỉ cho phép người trúng đấu giá sử dụng biển số theo phương tiện thì rất dễ cho công tác quản lý của CSGT. Nghĩa là khi mua bán, chuyển nhượng thì biển số đó sẽ theo phương tiện hoặc bị thu lại nếu chuyển nhượng ngoại tỉnh. Tuy nhiên, điều chúng tôi mong muốn đó là biển số trúng đấu giá người dân có quyền mua bán, cho tặng, thừa kế, thế chấp… ” – Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng nêu quan điểm, biển số trúng đấu giá vẫn quy định thời hạn nhất định trước khi gắn vào phương tiện, nghĩa là sau khi trúng đấu giá, trong thời gian quy định thì phải đăng ký biển đó cho phương tiện để được lưu thông. Những biển số không có người lựa chọn đấu giá, sẽ được quay về kho số để người dân không có nhu cầu đấu giá sẽ bốc ngẫu nhiên như hiện nay.

Phương Thuỷ
.
.
.