Thể hiện rõ sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thứ Ba, 07/03/2023, 14:07

Sáng 7/3, Bộ Công an đã tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban soạn thảo dự án Luật chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đại diện một số đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an.

Thay mặt Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã trình bày những nội dung cơ bản của dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được chỉnh lý so với dự án Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Họp ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng chủ trì phiên họp.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều. Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật và báo cáo đánh giá tác động chính sách đã bổ sung nội dung đánh giá thực trạng hiện nay của pháp luật hiện hành và đã có sự điều chỉnh thay đổi bản chất về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thống nhất. Đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự sang vị trí, chức năng là lực lượng hỗ trợ Công an xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã có sự phân định rõ sự khác nhau về vị trí, chức năng giữa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với vị trí, chức năng của lực lượng Công an cấp xã và các lực lượng khác ở địa bàn cơ sở. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xác định là lực lượng quần chúng tự nguyện, làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã. Lực lượng này có chức năng hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã (không thực hiện công tác quản lý về an ninh, trật tự ở cơ sở do Công an cấp xã thực hiện).

Họp ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở -0
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên trình bày những nội dung lớn của dự án Luật. 

Về tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, hồ sơ dự án Luật đã bổ sung thông tin, số liệu và đánh giá về thực trạng tổ chức, hoạt động của lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay làm cơ sở đề xuất nội dung quy định về tuyển chọn, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời đã chỉnh lý, bổ sung và quy định cụ thể ngay trong Luật nội dung về tuyển chọn, sử dụng, thành lập, công nhận các chức danh của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư.

Về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác ở địa bàn cơ sở, dự thảo Luật đã hoàn thiện các quy định về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với Hội đồng nhân dân, UBND xã; với người đứng đầu thôn, làng, ấp bản, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương; với lực lượng dân quân tự vệ , đoàn thể quần chúng, tổ chức quần chúng tự quản ở địa phương, dân phòng, hòa giải viên cơ sở, lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã.

Họp ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở -0
Họp ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở -0
Họp ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở -0
Các đại biểu tham gia góp ý tại cuộc họp. 

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật đã tách bạch rõ giữa nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với nhiệm vụ của Công an xã và chính quyền cơ sở. Lực lượng này được giao thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ với tính chất là tham gia hỗ trợ Công an cấp xã và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Công an cấp xã.

Về sắp xếp, kiện toàn thống nhất và bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật đã được chỉnh lý lại là chỉ kiện toàn 2 lực lượng là bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật CAND năm 2018 và các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng ( không phải toàn bộ lực lượng dân phòng) thành một lực lượng thống nhất với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Khi  tiếp tục sử dụng, kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh đang hoạt động hiện nay thì dự kiến tổng số người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở là gần 300.000 người. Việc điều chỉnh theo hướng này không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà tiếp tục sử dụng lực lượng đang hiện có, không làm tăng chi ngân sách nhà nước…

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập đã tham gia đóng góp ý kiến liên quan đến nội dung của dự án Luật. Các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đồng thời tập trung làm rõ  quy định liên quan đến vị trí của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng này với các lực lượng đang có sẵn tại địa phương…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cảm ơn các ý kiến đóng góp tích cực, trách nhiệm của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập đã nêu các vấn đề còn tồn tại trong quá trình xây dựng dự án Luật.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, sau quộc họp, Ban soạn thảo cần hệ thống lại những căn cứ chính trị, pháp lý xây dựng dự án Luật, thể hiện hơn nữa sự cần thiết ban hành. Đồng thời rà soát lại công việc để việc xây dựng, trình dự án Luật theo đúng quy định pháp luật. Ban soạn thảo và các đơn vị trong lực lượng CAND cũng chuẩn bị các văn bản dưới luật để khi Luật được thông qua sẽ ban hành nghị định, thông tư để đưa Luật vào cuộc sống.

Nguyễn Hương
.
.
.