Thay đổi tư duy, chuyển đổi thành nông dân chuyên nghiệp

Thứ Hai, 12/09/2022, 14:29

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII một lần nữa khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quốc phòng, an ninh, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là nòng cốt xây dựng người nông dân chuyên nghiệp

Sáng 12/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp.

Tham dự và chủ trì Diễn đàn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn… Ngoài ra, Diễn đàn có sự tham gia của khoảng 450-500 đại biểu.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, để xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, phát triển nền nông nghiệp sinh thái, vấn đề đặt ra ở đây là yếu tố con người. 

ong-luong-quoc-doan-16629462568191390650436.jpeg -0
Đồng chí Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII. Ảnh: Phạm Hưng

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là nòng cốt xây dựng người nông dân chuyên nghiệp. Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII một lần nữa khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quốc phòng, an ninh, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao Diễn đàn năm nay chọn chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp”, đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và đặc biệt là 300 đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong 5 năm qua, được bình chọn từ các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Kết quả của diễn đàn hôm nay sẽ góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sớm vào cuộc sống.

Đồng thời, Phó chủ tịch nước biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích và đóng góp to lớn của 10,2 triệu hộ hội viên nông dân, trong đó có 3,6 triệu hội viên là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đặc biệt là các đại biểu về dự Diễn đàn.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gợi mở một số vấn đề để các đại biểu trao đổi, thảo luận: Một là, diễn đàn cần tập trung bàn giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20-NQ/TW về kinh tế tập thể.

1.jpeg -0

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại Diễn đàn.

Hai là, làm rõ nội hàm khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”? Trí thức hóa nông dân là gì và làm thế nào để mỗi người nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi thành những nông dân chuyên nghiệp? 

Ba là, cùng thảo luận, phân tích những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta; những rào cản làm cho kinh tế nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ nhưng chưa thể trở thành động lực để phát triển kinh tế đất nước.

Bốn là, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 của Trung ương, phát huy vai trò, vị thế của người nông dân trong tiến trình phát triển đất nước, một nhiệm vụ rất quan trọng là vận động, tập hợp, liên kết người nông dân trong việc tiếp cận tri thức, trong đổi mới tư duy, đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh, trong tổ chức cuộc sống, trong ứng xử với môi trường và cộng đồng… Do đó, cần bàn giải pháp để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân, của Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức liên quan để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Trí thức hóa người nông dân, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh

Tham dự tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng Ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, những nông dân chuyên nghiệp đã trở thành đầu tàu dẫn dắt các lớp nông dân khác vươn lên làm giàu, nắm bắt công nghệ, góp phần giải phóng sức lao động, từng bước nâng cao năng suất lao động của khu vực nông thôn. Tuy nhiên, bà Hoa cũng chỉ ra một số nơi Hội Nông dân chưa thật sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, chưa có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ Hội còn yếu, thiếu tâm huyết, trách nhiệm, làm việc còn hành chính, thụ động nên kết quả chung của phong trào có mặt còn hạn chế.

Tham luận về vấn đề trí thức hóa nông dân, thực tiễn và giải pháp, TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) lý giải, đặt vấn đề trí thức hóa nông dân trong lúc này là bởi hiện chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm. Hiện nay lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước).

Thay đổi tư duy, chuyển đổi thành nông dân chuyên nghiệp -0
TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tham luận tại Diễn đàn.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn không còn phù hợp với yêu cầu hiện nay như việc: giới hạn về đối tượng thụ hưởng, độ tuổi tham gia học nghề, số lần được đào tạo nghề... Kinh phí hỗ trợ theo nhóm đối tượng học nghề không phù hợp cho đào tạo nghề nông nghiệp. Chưa có hành lang pháp lý và chính sách khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công theo kỹ năng và năng lực hành nghề của người lao động; Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở một số vùng, địa phương và yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Vì thế, theo ông Thịnh, cần tri thức hóa người nông dân, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh và hiểu biết của nông dân về các vấn đề xã hội, kinh tế nói chung và vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp nói riêng. 

Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc cũng khẳng định,  Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên và có nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực này. Trong 2 năm (2022-2023), Ngân hàng Nhà nước đang triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. 

Ngọc Yến
.
.
.