Thất thu hàng nghìn tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến, khó xử lý vi phạm

Thứ Hai, 25/11/2024, 17:17

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, chiều 25/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, Luật Quảng cáo 2012 cũng như dự thảo luật chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống trên báo chí, truyền hình mà chưa có quy định cụ thể về quảng cáo trực tuyến hiện đại, như quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Tik Tok..., khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong xử lý vi phạm.

Năm 2023 Việt Nam thất thu hơn 1.000 tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến

"Theo số liệu của Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục, năm 2023, hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm do thiếu quy định mang tính đồng bộ", đại biểu dẫn chứng và đề nghị cần bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến vào dự thảo luật. Theo đó, xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI; đưa ra hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo; thành lập cơ chế phối hợp liên ngành, hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để xử lý các vi phạm hiệu quả...

Facebook, Google, Tiktok... chiếm hơn 75% doanh thu quảng cáo tại Việt Nam -0
ĐBQH Thạch Phước Bình.

Đề cập thị phần quảng cáo tại Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Tiktok..., chiếm hơn 75% doanh thu quảng cáo, trong khi báo chí truyền thống chỉ chiếm dưới 10%, đại biểu cũng chỉ ra thực tế là các nền tảng này thường không đăng ký hoạt động đầy đủ tại Việt Nam hoặc chỉ đăng ký một phần, dẫn đến không thể quản lý thuế một cách hiệu quả.

"Năm 2023, Việt Nam thất thu hơn 1.000 tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến, gây áp lực lên nguồn thu quốc gia" - đại biểu nhấn mạnh và đề xuất cần bổ sung áp dụng các biện pháp mạnh để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng đăng ký hoạt động tại Việt Nam và nộp thuế theo quy định. Áp dụng cơ chế phối hợp trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp xuyên biên giới. Đưa ra chính sách ưu đãi về thuế hoặc hỗ trợ tài chính để giúp các cơ quan báo chí tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo. Phát triển các chương trình truyền thông quốc gia để quảng bá dịch vụ quảng cáo nội địa, tăng sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong nước...

Đề nghị nâng mức xử phạt quảng cáo sai sự thật lên 2-3 lần

Quan tâm đến việc kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến, với nhiều nội dung vi phạm thuần phong mỹ thuật, quảng cáo sai sự thật..., gây ảnh hưởng tiêu cực xã hội, làm giảm niềm tin người tiêu dùng và tăng nguy cơ lừa đảo trực tuyến, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 24 giờ. "Nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để răn đe...", ông hiến kế.

Facebook, Google, Tiktok... chiếm hơn 75% doanh thu quảng cáo tại Việt Nam -0
ĐBQH Chamaléa Thị Thuỷ.

ĐBQH Chamaléa Thị Thuỷ (Ninh Thuận) nêu tình trạng hoạt động quảng cáo hoặc những nội dung có thông điệp quảng cáo được đăng tải trên Facebook, Zalo, Tiktok... với nhiều thông tin chưa được kiểm chứng như: "trào lưu uống nước kiềm để chữa bách bệnh"; "thải độc ruột, đại tràng bằng cà phê"; "thần thánh hoá gạo lứt, nước tương có thể chữa ung thư"; các phương thuốc bí truyền, thực phẩm "giảm cân thần tốc", thực phẩm phòng ngừa đột quỵ, ung thư... kèm theo đó là trực tiếp, gián tiếp bán các sản phẩm, được rất nhiều người tin theo.

"Thậm chí có người từ bỏ "giai đoạn vàng" điều trị bệnh để "chạy theo các thông tin quảng cáo trên mạng", gây tổn hại lớn cho sức khoẻ cá nhân, gia đình và xã hội. Trách nhiệm thuộc chính thuộc về cơ quan nào, cần xác định cho rõ trong luật?", bà nói và đề nghị quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước cụ thể, khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ về quy định trình tự, thủ tục xác minh, xác định, kết luận các thông điệp mang tính quảng cáo và quy định, mức độ xử lý vi phạm cho tương xứng và phù hợp.

Facebook, Google, Tiktok... chiếm hơn 75% doanh thu quảng cáo tại Việt Nam -0
Quang cảnh hội trường.

Chung quan điểm, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo trên báo chí, trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng. "Nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện xử lý, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo vi phạm trên môi trường mạng thì chúng ta cũng không làm tốt việc bảo vệ người tiêu dùng, mà chỉ là "chạy theo" giải quyết hậu quả, thiệt hại khi có khiếu nại, tố cáo và phát hiện sai phạm qua thanh tra, kiểm tra".

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa luật lần này bổ sung thêm các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng và bổ sung điều, hay thêm chương riêng về điều kiện, cách thức, trình tự rất rõ ràng, cụ thể về đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo lên mạng, hoặc loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ không được phép quảng cáo trên không gian mạng, hoặc những hành vi chia sẻ lên mạng không phải là quảng cáo mà như là quảng cáo...

Quỳnh Vinh
.
.
.