Tháng 12 phải hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ diễn ra sáng 2/12.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021 diễn ra sáng nay (2/12) tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu giữa tháng 12 cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, tập trung tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên để cho các cháu trở lại trường học một cách bình thường và có kế hoạch cụ thể để triển khai tiêm mũi 3. Bên cạnh đó rà soát lại việc bảo quản, thanh kiểm tra, khắc phục các sự cố tiêm vaccine.
Cùng dự phiên họp có các Phó thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi cả nước; tình hình kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng, khởi sắc, tích cực.
Chúng ta cũng đang tích cực xây dựng đề án thực hiện chiến lược phòng, chống dịch COVID-19; đề án phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện có dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình hình có những diễn biến đột xuất như mưa lũ lớn tại một số địa phương ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên tương đối phức tạp. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia buồn tới những gia đình có thân nhân bị nạn trong đợt lũ lụt vừa qua.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi lời chia buồn tới những gia đình có thân nhân bị nạn trong đợt lũ lụt vừa qua; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các đại phương đang phải gánh chịu.
Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện 1659/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để góp phần khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tháng 11, các bộ, cơ quan, địa phương, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP, nắm chắc tình hình, chủ động phương án phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội. Tiêm vaccine được nhanh, nhất là cho người dưới 18 tuổi; số ca nhiễm COVID-19 nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm mạnh, tình hình KT-XH tháng 11 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, năng suất, sản lượng tăng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp; các cân đối lớn được bảo đảm. Tính chung 11 tháng, chỉ số CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tăng trưởng tín dụng đạt 10,10% so với cuối năm 2020; Cân đối ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tăng cường, an sinh xã hội được bảo đảm; Tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; An ninh, trật tự, an toàn, an dân, quốc phòng được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, dịch bệnh đến nay cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, bước đầu đạt mục tiêu đề ra, tạo được lòng tin và hứng khởi cho người dân, doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế đặc biệt trong công tác phòng chống dịch.
"Về nguyên nhân hạn chế, vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là nhất là đối với dịch. Khi thấy kiểm soát được rồi, một số tỉnh cũng buông lỏng kiểm soát, rồi tiêm vaccine nhiều nên cũng chủ quan. Sự quyết liệt điều hành của một số cấp, hay tổ chức thực hiện thì chúng ta vẫn là khâu yếu." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm chắc, dự báo tốt tình hình, đặc biệt là về dịch COVID-19; kiên trì thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP. Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Nhanh chóng xây dựng kịch bản, phương án ứng phó các mức độ dịch bệnh, đặc biệt là biến chủng mới Omicron; tổng hợp nhu cầu và tổ chức mua, dự phòng đủ vắc-xin, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch tại các địa phương, đặc biệt là phải có kế hoạch tiêm vắc xin một cách cụ thể, chi tiết.
“Tôi đề nghị, việc kiểm soát dịch vaccine là vấn đề quyết định trong phòng chống dịch này và vaccine phải được lên kế hoạch một cách rất cụ thể, chi tiết, giữa tháng 12 cơ bản hoàn thành hai mũi cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đối với các cháu dưới 18 tuổi phải tập trung tiêm để cho các cháu trở lại trường học một cách bình thường, có kế hoạch tiêm mũi thứ ba cho các đối tượng, rà soát lại các công việc tiêm, rồi rà soát lại việc bảo quản, thanh tra, kiểm tra các công việc vừa qua, cái gì mà chưa được, cái gì để xảy ra sự cố phải khắc phục bằng được."- Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng chỉ rõ, công tác tuyên truyền phải được tăng cường, tiếp tục nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch; người dân phải vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch, phải thực hiện nghiêm công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung cao độ cho giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục hoàn thiện các thể chế chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới; nỗ lực để đưa học sinh trở lại trường học một cách an toàn, hiệu quả; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp; thực hiện đảm bảo an sinh, xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế; chuẩn bị các điều kiện để nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh.
Về những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện xây dựng Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.
Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, trên nguyên tắc các mục tiêu phải sát với thực tế; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, môi trường; hài hòa, hợp lý giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Đặc biệt, kế hoạch phát triển phải căn cứ vào các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, trong đó có 3 đột phá chiến lược. Phải tìm ra động lực phát triển mới, ưu tiên hoàn thiện thể chế; tập trung cho chuyển đổi số; ứng phó biến đổi khí hậu; giữ môi trường đối ngoại hòa bình, ổn định chính trị để thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành…gắn với đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, trong đó có phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.