Thẩm phán được bổ nhiệm phải có kinh nghiệm sống, tầm hiểu biết rộng

Thứ Hai, 18/09/2023, 18:37

Lần sửa đổi này bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán, thẩm phán TAND tối cao, bao gồm độ tuổi, thâm niên giữ ngạch, phẩm chất đạo đức và tín nhiệm, chất lượng công việc đã hoàn thành. 

Tiếp tục chương trình phiên họp, chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận. 

Bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán

Trình bày tờ trình, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, lần sửa đổi này bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán, thẩm phán TAND tối cao, bao gồm độ tuổi, thâm niên giữ ngạch, phẩm chất đạo đức và tín nhiệm, chất lượng công việc đã hoàn thành. “Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm nguồn bổ nhiệm thẩm phán, thẩm phán TAND tối cao không chỉ có kiến thức chuyên sâu về pháp luật, thông thạo chuyên môn mà còn phải có kinh nghiệm sống, có tầm hiểu biết rộng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội” – Phó Chánh án TAND tối cao nêu. 

Về thẩm tra viên, sẽ bổ sung tiêu chuẩn “đã được đào tạo nghiệp vụ thẩm tra viên hoặc nghiệp vụ xét xử”; đồng thời quy định người muốn được bổ nhiệm thẩm tra viên phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn thẩm tra viên và thuộc một trong hai trường hợp: Đã làm thư ký tòa án từ đủ 3 năm trở lên; có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên và trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn thẩm tra viên. Về thư ký tòa án được bổ sung quy định người có đủ các tiêu chuẩn sau thì được bổ nhiệm vào ngạch thư ký tòa án: Có trình độ cử nhân luật trở lên; được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án; được tuyển dụng vào tòa án.

Thẩm phán được bổ nhiệm phải phải có kinh nghiệm sống,  tầm hiểu biết rộng -0
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình Luật Tổ chức TAND.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với việc bố trí thẩm phán công tác tại TAND tối cao, nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc lâu nay về việc tăng cường đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, năng lực thực tiễn. 

Tuy nhiên, đề nghị bổ sung nhiệm vụ cho thẩm phán này theo hướng: Thẩm phán công tác tại TAND tối cao ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thì hằng năm phải tham gia xét xử một số vụ án tại tòa án khác phù hợp ngạch, bậc của họ.

Chưa thống nhất thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia

Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Tiến cũng cho biết, dự thảo luật còn quy định thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; đồng thời, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng Tư pháp quốc gia. Hội đồng Tư pháp quốc gia có chức năng tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm thẩm phán, xem xét các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật thẩm phán; giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các TAND; bảo vệ Thẩm phán… để tăng cường tính khách quan, minh bạch. Điều này cũng góp phần phòng ngừa khả năng người lãnh đạo quản lý sử dụng công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật hoặc những biện pháp hành chính khác như một công cụ để tác động, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán khi xét xử. 

Thẩm phán được bổ nhiệm phải phải có kinh nghiệm sống,  tầm hiểu biết rộng -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.

“Đây là bước đi cụ thể nhằm thể chế hóa nhiệm vụ “Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27 của Trung ương” - Phó Chánh án TAND tối cao nêu rõ.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến cho rằng, việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia là một vấn đề rất lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nghị quyết 27 và Hiến pháp 2013 đều không quy định Hội đồng Tư pháp quốc gia. Cơ quan thẩm tra đề nghị không thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, mà giữ quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Làm rõ nội hàm quyền tư pháp

Về nội hàm quyền tư pháp (khoản 1 Điều 2), dự thảo Luật quy định: “Quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.

Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc làm rõ nội hàm quyền tư pháp là cần thiết, nhưng đây là vấn đề lớn, đặc biệt quan trọng, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác. Vì vậy, chưa nên quy định vấn đề này trong dự thảo Luật, mà chỉ nên quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp. Loại ý kiến thứ hai tán thành cần quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật, vì làm rõ được nội hàm quyền tư pháp sẽ là cơ sở để quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án.

Phát biểu về quyền tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng nếu quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật sẽ là một bước tiến lớn nhưng đây là vấn đề hết sức quan trọng, còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, lập luận rõ, đầy đủ, có lý lẽ thuyết phục để báo cáo Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.

Thẩm phán được bổ nhiệm phải phải có kinh nghiệm sống,  tầm hiểu biết rộng -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định về quyền tư pháp trong dự thảo Luật là quá rộng, bao hàm nhiều khái niệm như: xét xử, phán quyết, giải thích áp dụng pháp luật… Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa giải thích các thuật ngữ này. Nếu bổ sung quy định này thì phải bổ sung giải thích thuật ngữ trong dự thảo Luật.

Giải trình tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Nghị quyết 27-NQ/TW quy định: làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Tòa án để thực hiện đầy đủ quyền tư pháp. Trong Hiến pháp cũng đặt ra quyền tư pháp nhưng từ năm 2013 đến nay, không làm rõ quyền tư pháp là gì. Do đó, với lần sửa đổi Luật lần này rất cần thiết làm rõ quyền tư pháp. "Đây là cơ hội, còn quy định như thế nào cho đủ, cho đúng thì cần cùng nhau bàn" -  Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh.

Thu Thuỷ
.
.
.