Tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" thể chế và nguồn nhân lực

Thứ Hai, 04/11/2024, 15:29

Lương cơ sở đã tăng, nhưng một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu lương cũng "mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện". Thế nên, các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ nhưng nhân tài thì vẫn "như lá mùa Thu".

Tinh giản biên chế, xếp loại công chức đạt yêu cầu chưa?

Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề cập tình trạng nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư đang diễn ra rất nhiều, trong đó, phần lớn là nhân lực chất lượng cao. Việc thu hút nhân tài vào khu vực công cũng gặp khó khăn nhất định, mức lương khởi điểm không đủ thuê nhà ở các thành phố lớn, từ đó có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển KTXH của đất nước, vì nhân sự ở khu vực công là nhân sự làm chính sách.

Nguồn nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn, cần đột phá! -0
ĐBQH Hà Sỹ Đồng.

Theo ông, kỳ họp này của Quốc hội, có lẽ một cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ phiên khai mạc cho đến các phiên thảo luận, đó là cụm từ "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn", Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, trong đó có 5 luật về đầu tư và 7 luật về tài chính, ngân sách. "Tôi cùng tổ thảo luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nghe Bộ trưởng khẳng định các luật về đầu tư có nhiều điểm mới rất đột phá, giải phóng được sức sản xuất, khơi thông được các nguồn lực, nhất là những lĩnh vực mới. Tôi và chắc là nhiều đại biểu nữa đánh giá rất cao tinh thần này. Nhưng theo tôi, để gỡ được điểm nghẽn thể chế thì rất cần nhân lực, mà nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn" - ông nhấn mạnh.

ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, bao nhiêu năm qua, chúng ta nói rất nhiều đến sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Báo cáo của Bộ Nội vụ tại kỳ họp này nói rằng, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhưng khi phát biểu ở tổ thì Tổng Bí thư Tô Lâm nói, việc này mới làm từ xã xã, huyện một số vụ, cục, tổng cục,...Trung ương chưa tiến hành gì.

Nguồn nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn, cần đột phá! -0
Quang cảnh hội trường.

"Tổng Bí thư cũng nói, ngân sách đang chi khoảng gần 70 % để trả lương, chi thường xuyên... Vậy thì tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa? Rồi ở nhiệm kỳ này, đã có rất nhiều những phát biểu, những tranh luận kéo dài về việc "chữa bệnh cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm", nhưng kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023, chỉ có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy như thế đã là đánh giá đúng tình hình chưa?", đại biểu băn khoăn.

Về cải cách tiền lương, không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay, nhưng cho dù thế thì một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu lương cũng "mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện", chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác. "Thế nên rất dễ hiểu là các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ nhưng nhân tài thì vẫn "như lá mùa Thu".

"Tổng Bí thư nói, chúng ta cần mạnh dạn nhìn nhận những khó khăn đang phải đối mặt, vượt lên được những khó khăn đó để phát triển. Kỳ họp này, như tôi đã nói ở trên, Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế. Nhưng tôi chưa thấy có đề xuất nào tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Mà khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn và tôi đề nghị nên đột phá từ chính khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước" - ĐBQH Hà Sỹ Đồng hiến kế.

Nguồn nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn, cần đột phá! -0
ĐBQH Dương Khắc Mai.

Tháo gỡ cơ chế giải ngân, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động

Trước đó, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) đề nghị xây dựng các cơ chế thuận lợi để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước phục vụ cho nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Nguồn tài chính cho phát triển khoa học, công nghệ tại các doanh nghiệp được quy định tại Nghị định số 95 ngày 17/10/2014 của Chính phủ là rất lớn, nhưng cần sớm được tháo gỡ cơ chế giải ngân phục vụ cho phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp thông qua hợp tác trực tiếp với các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, nguồn nhân lực là vấn đề cần được quan tâm, vì xét đến cùng năng suất lao động là yếu tố quyết định sự thắng lợi của một chế độ xã hội, vì chỉ tiêu này gắn liền với tốc độ tăng trưởng và quy mô của một nền kinh tế. "Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động và yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phù hợp. Vì vậy, theo tôi, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn để phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ, kỹ năng nghề hợp lý, nhằm đảm bảo chỉ tiêu này có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới", ông đề nghị.

Nguồn nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn, cần đột phá! -0
ĐBQH Vũ Trọng Kim.

Tranh luận về nguồn nhân lực, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Nam Định) đề nghị, nước ta cần nhanh chóng nghiên cứu chính sách dân số trước thách thức già hóa dân số, có nguồn nhân lực tốt mới giữ được đà tăng trưởng 6-7% cho những năm tới, đồng thời chuẩn bị kỹ để làm chủ nền công nghiệp hiện đại, thu nhập cao sẽ đến trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, Báo cáo số 205 của Chính phủ mới chỉ đề cập về tinh giản biên chế, bộ máy hành chính của cấp huyện và cấp xã. Ông đề nghị, cần phải "cách mạng hóa" về biên chế, bộ máy cả ở Trung ương và địa phương. "Việc giảm được biên chế có 2 tác dụng: thứ nhất là, giảm được người sách nhiễu, thứ hai là, tăng được lương cho cán bộ mẫn cán, cán bộ chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn", ông góp ý.

Quỳnh Vinh
.
.
.