Tập huấn về quyền con người cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tại miền Trung
Sáng 1/7, tại TP Đà Nẵng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức lớp tập huấn cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của Trung ương, địa phương tại khu vực miền Trung.
Phát biểu khai giảng lớp tập huấn, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Ban điều hành Đề án giáo dục quyền con người cho biết, tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hết sức quan tâm trên tất cả các lĩnh vực. Giáo dục quyền con người có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền, cung cấp tri thức, trang bị kỹ năng, củng cố niềm tin, giúp mỗi người nhận thức đúng đắn ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền, tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác.
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, ngày 25/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Thực hiện Đề án trên, thời gian qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng với các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai một số nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả bước đầu triển khai Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh giáo dục quyền con người phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình mới và thực hiện tốt Kế hoạch của Đề án, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, một trong những yêu cầu quan trọng của Chỉ thị là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong nước và quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quyền con người.
“Thiết chế truyền thông, báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thông qua các phương thức như: truyền thông và định hướng dư luận về quyền con người; là diễn đàn tự do ngôn luận của người dân; cung cấp và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; phát hiện, lên án các hành vi vi phạm quyền con người; nêu gương các điển hình trong đấu tranh bảo vệ quyền con người; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người... Muốn thực hiện tốt những nhiệm vụ này, đòi hỏi các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí phải nắm vững những vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn về quyền con người”, GS.TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Theo Ban tổ chức lớp tập huấn, trong 3 ngày liên tiếp, các học viên sẽ được các giảng viên, chuyên gia của Viện Quyền con người - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Thông tin và Truyền thông cập nhật nhiều nội dung như: Khái quát chung về quyền con người; Pháp luật quốc tế về quyền con người và tự do báo chí; Pháp luật Việt Nam về quyền con người và tự do báo chí; Thành tựu bảo đảm quyền con người trong thời kỳ đổi mới và phát huy vai trò của truyền thông, báo chí trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam; Cơ chế quốc tế về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và việc thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền theo UPR, chu kỳ IV ở Việt Nam; Vai trò, trách nhiệm của cơ quan truyền thông, báo chí về bảo vệ quyền con người trong tình hình mới.