Tăng thời hạn cấp thị thực điện tử được đại biểu Quốc hội ủng hộ, đánh giá cao

Thứ Bảy, 27/05/2023, 17:29

Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước

Chiều 27/5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật CAND và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Góp ý về dự án Luật Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (luật xuất cảnh - nhập cảnh), các ý kiến bày tỏ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong tờ trình của Chính phủ. 

Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn. Bên cạnh đó tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

Tăng thời hạn cấp thị thực điện tử được đại biểu Quốc hội ủng hộ, đánh giá cao -0
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại tổ.

Phát biểu về dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, việc sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là rất cần thiết trong tình hình hiện nay, khi nước ta đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiến tới xây dựng Chính phủ số, công dân số. Trong đó, việc cấp hộ chiếu hiện nay đang từ truyền thống sẽ chuyển sang điện tử và thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử. “Hiện nay mới đang thí điểm cấp thị thực điện tử. Qua thí điểm, thấy rằng việc này đã tạo điều kiện tối đa cho người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Chính vì vậy, chúng ta cần có quy định mới phù hợp hơn” – đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng cho rằng, đại dịch COVID-19 đã tác động đến thế giới, trong khi chúng ta đang xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn nhưng lượng khách du lịch giảm. Chính vì vậy, chúng ta phải cải cách thủ tục hành chính để người nước ngoài đến Việt Nam thuận lợi hơn, dễ dàng hơn và cũng tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam đi nước ngoài.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cho rằng, việc sửa luật xuất cảnh – nhập cảnh thời điểm này còn là hơi muộn, phải sửa sớm hơn để thu hút khách du lịch. Đại biểu dẫn số liệu cho thấy, năm 2019 nước ta đón 19 triệu lượt khách du lịch còn Thái Lan là 25 triệu; năm 2022 chúng ta đặt mục tiêu 5 triệu nhưng chỉ đạt khoảng 60% trong khi Thái Lan đón 11 triệu và Malaysia là 9,2 triệu lượt. Điều đó cho thấy phục hồi du lịch của Việt Nam chậm và mục tiêu 8 triệu lượt khách du lịch trong năm nay cũng là thách thức. Ngay năm 2022, Thái Lan đã có nhiều chính sách về visa, lưu trú, tạo điều kiện thủ tục online. “Tháo gỡ thủ tục visa là chìa khoá quan trọng giúp du lịch cất cánh. Việt Nam thiên nhiên ưu đãi và các điều kiện không thua kém mà khoảng cách phát triển du lịch rất xa so với các nước xung quanh” – đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đồng thời mong rằng danh sách do Chính phủ quy định chi tiết mở rộng được càng nhiều nước có thể, cả về thời hạn thị thực điện tử và thời hạn tạm trú.

Ngoài ra, vị đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị phải cải thiện hệ thống cấp thị thực điện tử vì cho dù quy định cởi mở hơn nhưng người dùng không sử dụng được thì cũng là rào cản. “Ngay tôi vào cũng khó, thường xuyên quá tải, treo, mất nhiều thời gian” – ông nói và đề nghị tạo điều kiện hơn ở các cửa khẩu đủ điều kiện.

Cũng góp ý về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) bày tỏ ủng hộ các quy định liên quan đến thị thực điện tử vì hiện có rất nhiều người đến Việt Nam làm việc, công tác, học tập, đề nghị nghiên cứu tạo điều kiện hơn về thời hạn thị thực với các chuyên gia đến Việt Nam làm dự án để họ thuận lợi hơn khi ra vào nhiều lần.

Tăng thời hạn cấp thị thực điện tử được đại biểu Quốc hội ủng hộ, đánh giá cao -0
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu ý kiến

Ủng hộ dự án luật, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đánh giá dự thảo có nhiều quy định tiến bộ, đổi mới, cải cách hành chính và phù hợp với xu thế của thế giới, đồng thời cho rằng, việc nâng thời hạn và giá trị của thị thực điện tử là rất thực tiễn. Sau đại dịch, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương chính sách để phát triển kinh tế - xã hội và với những quy định mới trong dự thảo sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người nước ngoài tới Việt Nam du lịch, công tác.

Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cũng nhất trí cao với với sự cần thiết của luật xuất cảnh - nhập cảnh và cho rằng nền kinh tế Việt Nam độ mở rất lớn, để bảo đảm sự đồng bộ giữa nền kinh tế mở và cư trú của người nước ngoài, cần có quy định về mặt thể chế để đảm bảo đồng bộ, nếu không sẽ có sự cản trở trong phát huy ưu thế của nền kinh tế mở. “Vừa rồi đã phê duyệt chủ trương đầu tư sân bay Long Thành, đây dự kiến sẽ biến Việt Nam trở thành trạm trung chuyển hàng không của khu vực và quốc tế. Việt Nam cũng có  vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở trung tâm Đông Nam Á, việc thuận lợi cho điểm trung chuyển hành khách cho các cảng hàng không, cần thiết sửa đổi quy định về xuất cảnh, nhập cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam” – đại biểu đánh giá, đồng thời cho biết, quy định về thị thực điện tử có giá trị nhiều lần là rất cần thiết đối với du khách đi Việt Nam và qua các quốc gia khác để du lịch, sau đó có thể quay trở lại Việt Nam. Việc này tránh được những phiền toái khi cấp lại thị thực và cũng phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phương Thuỷ
.
.
.