Tăng quy mô vốn đầu tư công dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng

Thứ Sáu, 29/11/2024, 16:01

Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định việc quản lý Nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công...

Chiều 29/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 441/448 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,07% tổng số đại biểu. Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương 103 điều, quy định việc quản lý Nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

đầu tư công.jpg -0
Các đại biểu nghe giải trình dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã có các quy định nhằm phân loại dự án đầu tư công; quy định các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C. Trong đó, dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí như: sử dụng vốn đầu tư công từ 30.000 tỷ đồng trở lên; ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên; di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C. Việc phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp. Để bảo đảm tính chặt chẽ, luật đã bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.

Với tinh thần đổi mới, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong các trường hợp: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn trung hạn của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.

lê quang mạnh.jpg -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh giải trình dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Về quy định hạn mức 20% đối với các dự án qua hai kỳ trung hạn tại Điều 93, Luật Đầu tư công sửa đổi theo hướng: quy định tiếp tục giữ quy định về hạn mức 20%; bổ sung quy định đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội; bổ sung quy định đối với dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; bổ sung quy định cho phép vượt mức 20%: “cấp có thẩm quyền báo cáo để được phép quyết định vượt mức, nhưng không được vượt quá 50% số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước”.

Về các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng cũng được quy định trong luật như: Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; giao 1 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Cho phép HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để uỷ thác thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội…

Trình bày báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quán triệt và thực hiện chủ trương đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, tập trung vào các vấn đề đã chín, đã rõ, cấp thiết, cần tháo gỡ ngay, bảo đảm các quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, bám sát thực tiễn. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để nâng cao năng lực thực thi; đơn giản hóa thủ tục hành chính; chỉ quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội; giao Chính phủ, các bộ quy định nội dung theo thẩm quyền để kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.

Trong chiều 29/11, với 445/450 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 92,90% tổng số đại biểu, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia...

Cũng trong chiều 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu với 444/446 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,69% tổng số đại biểu Quốc hội

Phương Thuỷ
.
.
.