Tăng lương cơ sở sẽ tiếp thêm động lực cho năng suất, hiệu quả công việc

Chủ Nhật, 30/10/2022, 09:15

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đang diễn ra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã cho ý kiến về việc tăng lương cơ sở. Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án của Chính phủ trình Quốc hội.

Câu chuyện tăng lương cơ sở đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, nhất là khi có ý kiến nêu tăng từ đầu năm 2023. Xung quanh câu chuyện này, chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” đã có cuộc trao đổi cùng ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

1-2.jpg -0
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

PV: Thưa ông, tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng đang được Quốc hội bàn và là vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm. Nhiều ý kiến nói rằng thời điểm này cần thiết phải tăng lương và cũng là hợp tình, hợp lý, ông nghĩ thế nào?

Ông Lê Đình Quảng: Tiền lương cơ sở theo thông lệ những năm trước đây bắt đầu từ Nghị định 66 của Chính phủ năm 2013. Nghị định này tách mức lương tối thiểu chung thành mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu, áp dụng từ ngày 1/7/2013. Sau đó từ năm 2016 - 2019 định kỳ hằng năm đều điều chỉnh mức tăng lương cơ sở. Việc tăng lương cơ sở được xác định căn cứ trên 3 yếu tố: Tình hình kinh tế xã hội, điều kiện ngân sách và chỉ số giá tiêu dùng. Từ năm 2019 đến nay do dịch bệnh COVID-19 nên mức lương cơ sở vẫn áp dụng trên Nghị định 38 với mức 1,49 triệu đồng. Có nghĩa là hơn 3 năm rồi chưa điều chỉnh.

Vì vậy, việc điều chỉnh lương cơ sở hiện nay là hết sức cần thiết và cũng có cơ sở từ 3 yếu tố để xác định mức tăng lương cơ sở như chúng ta đã nói ở trên. Có thể nói khả năng ngân sách của chúng ta trong giai đoạn hiện nay cũng đang còn có một số khó khăn nhất định nhưng chỉ số giá tiêu dùng sau một thời gian dài không tăng lương đã tăng cao. Cùng với đó, đời sống của công chức, viên chức và người lao động cũng đang gặp nhiều khó khăn do đó việc điều chỉnh là cần thiết. Bây giờ chỉ có điều cần cân nhắc là điều chỉnh từ ngày 1/7/2023 hay là điều chỉnh ngay từ ngày 1/1/2023.

PV: Như ông vừa nói, mặt bằng giá cả đã hình thành mặt bằng giá mới sau biến động liên tục của giá xăng dầu, lạm phát cộng dồn trong 3 năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng đó là sự hy sinh của những người hưởng lương và cũng là “món nợ” và không có lý do gì để kéo dài thêm. Ông có đồng tình với quan điểm này?

Ông Lê Đình Quảng: Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm đó. Với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng được áp dụng từ năm 2019 đến nay không tăng thì tiền lương, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, người hưởng lương có thể nói gặp nhiều khó khăn. Nhất là những cán bộ công chức, viên chức có thâm niên làm việc, thời gian làm việc ít và có hệ số lương thấp thì thực sự khó khăn. Chúng ta cũng đã đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở nhưng vì điều kiện ngân sách, kinh tế xã hội khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh mà chúng ta phải tạm hoãn. Rõ ràng đây là sự chấp nhận, hy sinh. Cán bộ, công chức, viên chức dù lương thấp nhưng họ vẫn miệt mài làm việc.

Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp không chịu đựng được mà chúng ta đã thấy được nhắc đến nhiều những ngày qua là gần 40 nghìn công chức, viên chức đã rời khỏi khu vực công. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người ta ra ngoài nhưng nguyên nhân chính theo tôi vẫn là do thu nhập không đảm bảo được cuộc sống. Điều đó thể hiện cho việc mức chịu đựng của công chức, viên chức, người hưởng lương cũng đã đến giới hạn chịu đựng. Do đó chúng ta cần phải xem xét đến việc điều chỉnh mức lương cơ sở này càng nhanh càng tốt.

PV: Ông vừa nhắc đến câu chuyện gần 40 nghìn người rời khỏi khu vực công mà lý do trong đó có việc thu nhập không đảm bảo. Vấn đề này đã làm nóng dư luận ít ngày qua. Theo ông, liệu rằng việc tăng lương có giữ chân được những người hưởng lương ở lại khu vực công không?

Ông Lê Đình Quảng: Như tôi đã nói, số lượng lớn công chức, viên chức ấy rời khỏi khu vực công là có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cốt yếu nhất vẫn là thu nhập thấp và không tương xứng với thu nhập họ bỏ ra. Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, việc chuyển dịch lao động từ khu vực công sang tư hoặc ngược lại là việc bình thường, nhưng chuyển dịch nhiều với tỷ lệ đáng kể sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực ở một số ngành, lĩnh vực khu vực công như thời gian qua. Do đó, cần đánh giá kỹ để sớm có giải pháp khắc phục. Cho nên việc điều chỉnh, nâng mức lương cơ sở chắc chắn sẽ có những tác động tích cực đối với người lao động, cán bộ công chức, viên chức ở lại khu vực công. Không những động viên họ ở lại, mà ở góc độ của tôi, tôi cho rằng việc tăng lương còn tiếp thêm động lực để họ làm việc với năng suất, chất lượng và hiệu quả tốt hơn nữa. Chắc chắn sẽ có những tác động này.

PV: Đang có những ý kiến cho rằng, điều chỉnh tiền lương là vấn đề cấp bách bởi chính ta không chỉ cần giữ chân những người đang làm việc, mà còn phải thu hút nhân tài. Với chính sách tiền lương như hiện nay, việc thu hút nhân tài cũng sẽ rất khó. Chẳng hạn một cử nhân đại học ra trường, nếu vào làm ở khu vực công lương sẽ là hệ số 2,34 nhân với mức lương cơ sở. Học hành bài bản mà ra trường đi làm mức lương chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, chính sách tiền lương thế này sẽ rất khó để thu hút nhân tài. Ông nghĩ thế nào?

Ông Lê Đình Quảng: Có thể nói thế này, việc điều chỉnh mức lương cơ sở chỉ là giải pháp tạm thời. Đúng ra để giải quyết vấn đề một cách căn bản chúng ta phải thực hiện đề án cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Tiền lương phải gắn liền với vị trí việc làm, tiền lương gắn với chất lượng hiệu quả. Chứ hiện nay, tồn tại lớn nhất của hệ thống tiền lương là tính cào bằng. Thu nhập của công chức, viên chức khu vực công còn thấp, cộng thêm việc phân phối cứng nhắc, cào bằng chính là 1 trong 5 nguyên nhân dẫn đến chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư.

Như tôi đã nói, việc tăng lương cơ sở chỉ là giải pháp tình thế, còn trong kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn đề xuất cần sớm trình cơ quan có thẩm quyền tiến hành thực hiện đề án cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Đây mới là giải pháp căn cơ, cốt lõi để đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức. Nếu chúng ta sớm thực hiện cải cách căn bản tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 trên tinh thần cải cách cần gắn với sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và trả lương cần căn cứ vị trí việc làm, hiệu quả, năng suất, chất lượng công việc... thì sẽ tạo ra động lực để thu hút những người có trình độ, năng lực.

PV: Ngay từ đầu ông đã nói, vấn đề bây giờ là cân nhắc việc quyết định tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 hay là thực hiện từ ngày 1/1/2023. Theo quan điểm của ông, chúng ta nên thực hiện từ mốc thời gian nào?

Ông Lê Đình Quảng: Tôi nghĩ đề xuất tăng lương từ ngày 1/7/2023 có lẽ có một số lý do dẫn đến việc Chính phủ đề xuất mốc thời gian này. Thứ nhất, nếu thực hiện từ ngày 1/7/2023 thì cũng có thêm một khoảng thời gian để ngân sách của chúng ta đỡ bị áp lực. Lý do thứ 2 như tôi đã nói từ đầu, việc áp dụng mức lương cơ sở bắt đầu từ Nghị định 66, chúng ta cũng thực hiện từ ngày 1/7. Sau đó hầu hết các Nghị định đều áp dụng từ ngày 1/7, trừ năm 2016 thì áp dụng từ ngày 1/5. Cho nên đây là một tiền lệ và do đó Chính phủ mới đề xuất thực hiện từ ngày 1/7/2023. Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng thực hiện từ ngày 1/1/2023 là tốt nhất. Thứ nhất là giảm thời gian kéo dài sẽ càng tăng thêm động lực làm việc cho người công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời cũng giúp họ bớt khó khăn hơn khi vừa trải qua một thời gian dài ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Thứ hai, việc thực hiện từ ngày 1/1/2023 cũng sẽ giúp chúng thực hiện các kế hoạch tài chính và các phần việc khác tốt hơn.

Nếu thu nhập không đủ đảm bảo đời sống ở mức tối thiểu, sẽ khiến công chức, viên chức phân tâm, không tập trung được vào công việc. Do đó, việc nghiên cứu tăng lương cho cán bộ công chức viên chức ngay từ đầu năm sau là đòi hỏi rất gấp rút, nhằm nâng cao điều kiện làm việc, kích thích chất lượng nguồn lực, giúp cán bộ công chức viên chức yên tâm làm việc với năng suất cao hơn. Dù trước mắt tăng lương chỉ chút ít, chưa tương xứng với tốc độ trượt giá, nhưng sẽ là động viên rất kịp thời, giải pháp thúc đẩy rất lớn để tạo yên tâm, cống hiến của đội ngũ công chức viên chức. Sau đó, cần thực hiện lộ trình tăng lương tiếp theo mới tạo được niềm tin của người lao động. Hiện kinh tế đã phục hồi, tăng trưởng và đã có dấu hiệu khả quan, vì vậy chúng ta tính tăng lương cơ sở trước sau đó sẽ có lộ trình để thực hiện cải cách tiền lương.

Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.