Tăng cường tuần tra, xử lý tàu cá vi phạm quy định “thẻ vàng” IUU
Sau gần 4 năm, những nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho ngành Thủy sản Việt Nam vẫn gặp nhiều trở ngại do nhiều người vì lợi ích cá nhân làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của đất nước.
Cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam được dỡ bỏ hay không phụ thuộc rất lớn từ chính ý thức, trách nhiệm của mỗi chính quyền địa phương có biển và nhất là các ngư dân tham gia khai thác thủy sản trên biển.
Tháng 10/2017, ngành Thủy sản Việt Nam bị EC áp “thẻ vàng” IUU (khai thác thủy sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định) đối với XK thủy sản. Từ đó đến nay, các ngành, các cấp đã rất nỗ lực vào cuộc để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong việc tuân thủ pháp luật khi khai thác thủy sản trên biển, nhằm ngăn chặn hoạt động này.
Kể từ khi Luật Cảnh sát biển ra đời, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng tích cực tuyên truyền các quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam để nhân dân và ngư dân nắm được và thực hiện. Đồng thời, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn xử lý tình trạng vi phạm IUU của ngư dân.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển cho biết, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát biển đã trực tiếp tổ chức tuyên truyền cho 347 tàu cá với 3.608 ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên các vùng biển, nhất là khu vực giáp ranh Việt Nam - Malaysia, Việt Nam - Indonesia, Việt Nam - Thái Lan; phát hiện 31 tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; tuyên truyền qua kênh VHF và nghề cá cho 2.597 lượt tàu; tổ chức 5 buổi tuyên truyền tập trung với 995 lượt ngư dân; phát hàng nghìn tờ rơi, 80 cuốn sổ tay pháp luật cho nhân dân, ngư dân chấp hành nghiêm Luật Thủy sản, Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các quy định về chống khai thác IUU, không vi phạm sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Từ tháng 7/2021 đến nay, lực lượng Cảnh sát biển đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và phát hiện một số trường hợp tàu cá vi phạm IUU. Điển hình, ngày 21/7, bằng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với Trung tâm chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng và biên đội tàu đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU trên vùng biển giáp ranh Việt Nam – Malaysia – Thái Lan, lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện, bắt giữ 1 tàu cá của tỉnh Kiên Giang có hành vi che biển số, tháo thiết bị hành trình sang vùng biển Malaysia đánh bắt hải sản; không chấp hành hiệu lệnh dừng tàu và có hành vi bỏ chạy, chống đối, đe dọa và tấn công lực lượng chức năng khi tiếp cận tàu.
Ngày 1/8, tại vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam - Malaysia, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện, bắt giữ một tàu cá của tỉnh Cà Mau có hành vi tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình, sang vùng biển Malaysia đánh bắt hải sản trái quy định IUU. Tàu cá CM-99275-TS của Việt Nam đang đánh bắt, khai thác hải sản cách đường phân định Việt Nam - Malaysia khoảng 3 hải lý về phía Nam thuộc vùng biển Malaysia. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã điều động tàu KN 270 cơ động tiếp cận tàu cá đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Malaysia; tiến hành tuyên truyền và yêu cầu tàu cá trên di chuyển về vùng biển Việt Nam để kiểm tra hành chính.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát theo luật định, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng Cảnh sát biển đã tổ chức điều động, sử dụng 286 lượt tàu, xuồng hoạt động trên biển. Qua tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đã kịp thời phát hiện, tuyên truyền, yêu cầu 755 lượt chiếc tàu cá nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam theo đúng chủ trương, đối sách; ghi số hiệu 488 tàu.
Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục duy trì các lực lượng tuần tra kiểm soát các khu vực, vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam với Indonesia, Thái Lan, Malaysia để khẳng định chủ quyền, tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, giải quyết kịp thời các tranh chấp và bảo vệ ngư dân hành nghề trên biển. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tàu cá và thuyền trưởng cố tình vi phạm, có hành vi đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Chủ động nắm tình hình trên các vùng biển và địa bàn có liên quan; kịp thời phát hiện các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về Việt Nam...
Theo Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, phòng chống khai thác IUU là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương có biển. Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát biển sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng (Biên phòng, Kiểm ngư, Hải quân), chính quyền địa phương các tỉnh thành ven biển đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân về việc thực thi chống khai thác IUU, về những điều không được làm để đảm bảo tuân thủ các quy định của IUU, về ảnh hưởng của việc nếu vi phạm IUU sẽ tác động trực tiếp đến đại cục chung của XK thủy sản của Việt Nam sang EU và ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nghề cá của Việt Nam. Qua đó, giúp ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển, không có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, nỗ lực chung tay cùng các cấp, các ngành và cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” cho XK thủy sản của Việt Nam.